Công tác cán bộ là một trong nhiều vấn đề được cử tri TP Cần Thơ đề cập trong buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri của ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền ngày 8/5.
Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong 5 ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử này.
"Mọi sự thành bại do cán bộ"
Phát biểu tại hội nghị, cử tri Lê Xã Hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nếu trúng cử cần quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Ông Hội cho rằng khi chọn cán bộ cần quan tâm đến vấn đề sức khỏe, ý chí, đạo đức, tài năng, và cả sự dũng cảm hy sinh.
Dẫn chứng nhiệm kỳ vừa qua có rất nhiều cán bộ bị kỷ luật, ông đặt vấn đề sau khi bố trí, sử dụng rồi thì quản lý, kiểm tra thế nào.
"Hồi xưa, vũ khí sắc bén của ta là phê bình và tự phê bình. Hôm nay, vũ khí đó còn giá trị hay không? Chấp hành kỷ luật còn nghiêm hay không? Chúng ta phải quản lý chặt chẽ, kiểm tra chặt chẽ", cử tri TP Cần Thơ kiến nghị.
Cũng góp ý về công tác cán bộ, cử tri Vũ Cao Quân nêu vấn đề thời gian qua, hệ thống cán bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa được quan tâm luân chuyển và tham gia cơ cấu Trung ương. Từ đó, ông đề nghị đại biểu Quốc hội tham mưu Trung ương về vấn đề này.
Cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm đến công tác cán bộ. Ảnh: Thuận Thắng. |
Tiếp thu ý kiến cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định "cán bộ là gốc, mọi sự thành bại đều do cán bộ". Cán bộ tốt thì kết quả tốt, cán bộ không tốt thì kết quả không tốt.
Ông lấy ví dụ ở cấp xã, phường, hay như trường đại học, người đứng đầu tốt thì mọi việc tốt. Quy trình, quy phạm tuyển chọn, quản lý cán bộ đều đã có nhưng mỗi người phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không chạy chọt.
"Quy định đã rất rõ. Chống chạy chức chạy quyền, phải dân chủ công khai, minh bạch, khách quan, thông qua thi tuyển mới chọn được người tốt. Còn chạy chọt thì sao tìm được người tốt?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Ông nhận định công tác cán bộ là công tác quyết định. Do đó, cử tri phải vào cuộc để chọn được người tốt, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để gánh vác công việc quốc gia. Vấn đề càng khó, càng phức tạp, nhạy cảm thì càng phải phát huy dân chủ, giữ đúng nguyên tắc tôn trọng trí tuệ tập thể.
Thủ tướng chia sẻ kinh nghiệm để chọn cán bộ thì thi cử là sòng phẳng nhất. Ai có thực tiễn, lý luận, tâm huyết thì trình bày bài thi của mình khác hẳn, và ngược lại. Đây cũng là cách làm của ông trong thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhằm đảm bảo trong sạch trong hệ thống cán bộ.
Cán bộ tốt thì ở đâu cũng tốt
Bên cạnh việc làm công tác cán bộ, lãnh đạo Chính phủ nhận định luân chuyển cán bộ là một cách làm tốt.
Ông Chính dẫn chứng trước đây có nhiều cán bộ, lãnh đạo chuyển từ Bắc vào Nam và trưởng thành từ miền Nam như cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Tổng bí thư Lê Duẩn, cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh...
Thủ tướng chia sẻ vừa qua, Trung ương luân chuyển nhiều cán bộ từ Bắc vào Nam, rồi từ Nam ra Bắc. Ví dụ vừa qua, Trung ương cử nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang đến Hải Phòng giữ chức Bí thư Thành ủy. Trước đây, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng từng có thời gian được cử từ Nam ra Bắc làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.
"Người tốt thì ở tại chỗ cũng tốt, mà đi đâu cũng tốt. Người không tốt thì tại chỗ cũng không tốt, đi chỗ khác lại càng không tốt. Bản thân tôi thấy luân chuyển cũng tốt", Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng cho rằng cán bộ tốt thì làm ở đâu cũng tốt. Ảnh: Thuận Thắng. |
Thủ tướng chia sẻ việc từng có quá trình làm việc tại Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1987 đến 1990 trước khi chuyển công tác khác. Sở dĩ ông có tình cảm với vùng đất Nam Bộ bởi thời gian ở đây, ông được bà con nuôi dưỡng vào những năm khó khăn, khi vừa đổi mới và trưởng thành, hun đúc tư tưởng từ vùng đất này.
Từ những chia sẻ trên, Thủ tướng nhận định không nên cứng nhắc trong công tác cán bộ mà cần tìm ra giải pháp tốt nhất. Cán bộ tốt thì làm ở Bắc, Trung hay Nam đều tốt. Quan trọng là ở quy trình sàng lọc, tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng.
Trước đó, ngày 29/4, Ủy ban bầu cử TP Cần Thơ thông tin Thủ tướng Phạm Minh Chính là ứng viên ở tổ bầu cử số 1 gồm quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ ứng cử đại biểu Quốc hội tại một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hai nhiệm kỳ trước, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều ứng cử đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.
Ngoài ông Phạm Minh Chính, tổ bầu cử số 1 TP Cần Thơ có 4 ứng cử viên khác, gồm: Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ; bà Dư Thị Mỹ Hân, Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Cần Thơ; ông Đào Chí Nghĩa, Phó bí thư Thành đoàn Cần Thơ và bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại Abavina.
Đề xuất thêm nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng TP Cần Thơ
Trong chương trình hành động của mình, bà Dư Thị Mỹ Hân, ứng cử viên đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ, cam kết sẽ nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội để có thêm nhiều chính sách, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho thành phố. Đặc biệt là trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng.
Bà Hân nhận định đây là cơ sở để TP Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng và đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, liên vận quốc tế.