Sáng nay (3/10), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9/2016. Phiên họp diễn ra trong 2 ngày (từ 3 - 4/10) với 22 nội dung khác nhau. Thủ tướng định hướng chủ đề chính của phiên họp là “phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, nỗ lực đạt mục tiêu cao nhất kế hoạch năm 2016 từ 6,3-6,5%”.
Xuất khẩu nông sản khó khăn là một trong những lý do kéo tăng trưởng của cả nền kinh tế chậm lại. Ảnh: TTXVN |
Nhìn lại 9 tháng qua, Thủ tướng cho rằng kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tiếp tục đà phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, nhất là quý III đạt 6,4%. Lạm phát ở mức thấp. “Đặc biệt, niềm tin thị trường, niềm tin xã hội của người dân, doanh nghiệp tăng”, Thủ tướng nói.
Tuy vậy, 9 tháng mới tăng trưởng 5,92%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Để đạt mục tiêu GDP từ 6,3-6,5% thì tăng trưởng kinh tế quý IV phải tăng tốc ở mốc 7,1-7,3%.
“Đây là mục tiêu cao, khó, nhưng không phải không thực hiện được. Những năm trước quý IV bao giờ cũng tăng cao, do có nhiều điều kiện tốt có thể phấn đấu tăng GDP”, Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng chỉ đạo cả bộ máy phải chuyển động, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
“Tôi xin nhấn mạnh không phải chỉ có quyết tâm mà phải có giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu 6,3-6,5%. Nếu chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể, thì chắc chắn thời gian tới việc cung cấp điện của Việt Nam, một cân đối lớn của nền kinh tế, sẽ bị hẫng hụt. Chúng ta không nhìn thấy điều này thì sẽ là nguy cơ”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng cũng yêu cầu tại phiên họp này, các Bộ, ngành phải kiểm điểm những bất cập tồn tại, nhất là phản ứng chính sách cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, những tác động của chính sách đã ban hành, để tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh. Không chỉ tăng trưởng mà phải chú ý cả các chỉ tiêu xã hội, môi trường; không chỉ quan tâm chỉ tiêu 2016 mà cả chỉ tiêu 2017 và kế hoạch trung hạn 2016-2021.
Trước đó không lâu, lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang bị cản trở bởi một số thách thức nên năm nay chỉ có thể tăng trưởng GDP 6%.
Báo cáo nêu rõ do sự giảm sút của ngành nông nghiệp và khai khoáng trong nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam có thể sẽ có sự điều chỉnh giảm trong tăng trưởng, xuống còn 6% năm 2016 và 6,3% năm 2017.