Lãnh đạo ABD, ông Takehiko Nakao vừa có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 15-17/6.
Trong thời gian ở Việt Nam, chủ tịch ADB đã có các cuộc gặp và hội đàm về các vấn đề kinh tế và phát triển cũng như những hỗ trợ của ADB đối với Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2016-2020 với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Chiều 17/6, tại cuộc họp báo ở Hà Nội, ông Takehiko Nakao cho biết các vấn đề chính được đưa ra thảo luận giữa ADB và lãnh đạo cấp cao Việt Nam gồm môi trường kinh doanh, chính sách kinh tế của Việt Nam, giải pháp tăng nguồn thu ngân sách, cách quản lý chi tiêu thường xuyên hiệu quả hơn, các khoản nợ và khó khăn trong xử lý nợ của Việt Nam…
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao Ảnh: AFP |
“Tôi nhận thấy kinh tế Việt Nam đã bắt đầu ổn định hơn so với trước. Lạm phát bình ổn, tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng, tỷ giá bình ổn…”, ông Takehiko Nakao đánh giá.
Tuy vậy, chủ tịch ADB nêu thực tế các khoản vay trong nước của Việt Nam đang sát ngưỡng trần 65% GDP.
“Các khoản nợ trong nước – nợ công - của Việt Nam đang ngày càng tăng lên trong khi nợ nước ngoài vẫn ổn định ở mức 29%”, ông Takehiko Nakao nói.
Cam kết cho Việt Nam vay mỗi năm 1 tỷ USD
Về chính sách để phát triển bền vững, theo vị chủ tịch ADB, trước hết, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề liên quan đến tính bền vững nợ bằng cách cải thiện nguồn thu nội địa, nâng cao hiệu quả chi tiêu thường xuyên.
“Chính phủ Việt Nam cần cân đối ngân sách, ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài. Song song với việc giải quyết nợ công, các bạn cần nhanh chóng cổ phần hóa DN nhà nước, phát triển DN vừa và nhỏ, giải quyết nợ xấu, cải cách tài chính”, ông Takehiko Nakao nhấn mạnh.
Để hỗ trợ Việt Nam phát triển, chủ tịch nhà băng khẳng định vốn vay ADB dành cho Việt Nam sẽ không đổi trong thời gian tới – khoảng 1 tỷ USD/năm, thậm chí có thời hạn lâu dài và nhiều điều kiện mềm mại hơn so với các khoản vay thương mại khác.
“Chúng tôi sẽ ưu tiên các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, vận tải hành khách, truyền tải điện, năng lượng nông thôn, quản lý nguồn nước, thủy điện, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề, mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm y tế, cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế có chất lượng…”, ông Takehiko Nakao cho biết.
Ngoài ra, theo vị này, ADB cũng quan tâm tới các vấn đề về biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, việc tăng cường sử dụng, giảm chi phí năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, và cam kết sẽ đẩy nhanh việc giải ngân các dự án ADB tài trợ.
Nói về các khoản nợ xấu của Việt Nam, vị lãnh đạo ngân hàng cho rằng Việt Nam nên tăng cường khu vực công để nguồn lực được phân bổ hiệu quả, hỗ trợ các DN đầu tư, kinh doanh tốt hơn.
“Nếu cần thiết thì mua cổ phần của các ngân hàng để bơm tiền nhà nước vào các ngân hàng có nợ xấu. Nhật Bản đã làm việc này từ những năm 90. Hoặc các bạn có thể hỗ trợ ngân hàng quản trị tốt hơn, quản lý rủi ro tốt hơn, giảm gánh nặng thuế cho những ngân hàng đang gặp khó khăn”, ông Takehiko Nakao đề xuất.
Cùng với đó, lãnh đạo ADB cho rằng Việt Nam nên đa dạng hóa nguồn vốn vay, cải thiện hiệu quả chi tiêu ngân sách, cải cách công tác thuế, thủ tục hành chính…
Đáng chú ý, ông Takehiko Nakao chia sẻ, ADB đang cân nhắc cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vay vốn mà không tính vào tiền nợ công.
“Chưa thấy ai hỏi vay”
Trả lời câu hỏi phỏng vấn của Zing.vn về vấn đề này, ông Takehiko Nakao cho biết ADB đã thực hiện chương trình cho DN tư nhân vay vốn làm ăn ở nhiều quốc gia khác nhau.
“Thế nhưng trong vài năm gần đây, chúng tôi không cho DN tư nhân nào ở Việt Nam vay vốn cả”, ông Takehiko Nakao nói.
Nói về lý do chưa hiện thực hóa việc cho DN tư nhân Việt vay tiền, ông Takehiko Nakao cho hay: “Về lý thuyết không có trở ngại gì cả, nhưng chúng tôi chưa nhận được yêu cầu nào từ DN tư nhân ở Việt Nam. Chúng tôi rất muốn cho vay, nhưng chưa thấy ai hỏi vay cả”.
Khẳng định trong thời gian tới ADB có thể sẽ tăng cường các dự án cho DN tư nhân ở Việt Nam, ông Takehiko Nakao tiết lộ, các DN hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo, thiết bị y tế, giáo dục, công nghệ thông tin cao, viễn thông…đều có thể vay vốn của ADB.
Cùng với việc cân nhắc cho DN tư nhân vay vốn, ADB cũng đang xem xét chương trình cho vay hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng.
Chủ tịch ADB dự báo, trong thời gian tới nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách, bội chi ngân sách tăng so với dự kiến ban đầu.
“Ngoài ra còn có rủi ro mở rộng tín dụng, bùng nổ tín dụng hoặc tăng trưởng tín dụng quá nóng. Các bạn cần theo dõi sát thị trường tài chính quốc tế và nhìn vào tỷ giá để xem VND có bị giảm giá nhanh không. Dự trữ ngoại hối có thể gây ra rủi ro mà nếu ta không lường trước sẽ phải trả giá đắt”, Chủ tịch ADB nhấn mạnh.