Sáng nay (29/4), tại TP HCM, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp – một trong những hoạt động đáng chú ý đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ kể từ khi nhậm chức.
Hội nghị kéo dài hơn 5 tiếng (từ 8h – 13h30) với sự tham dự của gần 1.000 người và trực tuyến ở tất cả các tỉnh thành. 4 Phó thủ tướng, hơn 10 bộ trưởng, Chủ tịch UBND các thành phố lớn và rất nhiều doanh nhân tên tuổi đã tham dự sự kiện này.
Sự kiện mở màn bằng những lời phát biểu ngắn gọn, nhưng chân thành của tân Thủ tướng, rằng thời gian qua, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển, nhưng thực tiễn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.
“Chính vì vậy, Chính phủ mong muốn lắng nghe DN phản ánh những khó khăn, vướng mắc, hiến kế, góp ý để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các DN dự hội nghị. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng cũng đề nghị đại biểu phát biểu ngắn gọn, thẳng thắn, thiết thực, trực tiếp về những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và đề xuất kiến nghị, giải pháp cụ thể cùng tháo gỡ rào cản để phát triển.
Được lời như cởi tấm lòng, lãnh đạo các ngân hàng, DN lớn đã trải lòng về những khó khăn họ đang gặp phải, và hiến kế cho Chính phủ các giải pháp pháp triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Sau khi nghe DN, tư lệnh các ngành đã lần lượt đưa ra những cam kết cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó có cam kết hiện thực ngay sau hội nghị kết thúc, đó là giảm lãi suất vay trung dài hạn cho DN.
Những phản hồi, cam kết từ các Bộ trưởng cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc đồng hành cùng DN, góp phần dựng xây đất nước.
Nhưng có lẽ phần phát biểu được mong chờ hơn cả đó là kết luận của Thủ tướng, với quyết tâm “nói và làm”. Chỉ đạo cụ thể, mạnh mẽ của ông đã nhận được những tràng pháo tay ủng hộ của DN tham dự, theo dõi sự kiện.
Sau khi chỉ rõ những khó khăn DN đang gặp phải, cái nhìn khái quát về toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam, Thủ tướng đã đưa ra 10 giải pháp giúp phát triển DN, gỡ bỏ các rào cản, giải phóng sức sản xuất, thống nhất ý chí phát triển đất nước.
Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp ở TP. HCM. |
Người đứng đầu Chính phủ đã cho thấy việc gặp gỡ, đối thoại với DN phải đi vào thực chất giải quyết trực tiếp vấn đề của DN, chứ không phải là tổ chức các hội thảo, gặp nhau rồi ra về.
Bởi vậy dù đã quá giờ, nhưng cả hội nghị vẫn tập trung lắng nghe.
Là một trong những DN tham gia hiến kế cho Chính phủ, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, gửi gắm đến các cơ quan chức năng: "Hãy coi DN là đối tượng phục vụ, chứ không phải đối tượng quản lý. Nếu có môi trường tốt, cạnh tranh bình đẳng thì DN Việt Nam phát triển không kém doanh nghiệp trên thế giới".
Trên trang cá nhân của mình, ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế VCCI, viết: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 29/4 là một trong những hoạt động đầu tiên, sự kiện lớn nhất của Thủ tướng khi nhậm chức, tại Sài Gòn chứ không phải Hà Nội, trong dịp lễ giải phóng miền Nam 30/4.
Sáng nay bắt đầu từ 8h, nhưng Thủ tướng đến sớm 20 phút, đi bắt tay khắp lượt. Hội nghị kéo dài đến 1h30 chiều mới xong. Thành phần tham dự hội nghị gần 1.000 người, trực tuyến đến cả 62 tỉnh, thành khác, còn có thêm 4 Phó Thủ tướng, hơn 10 bộ trưởng và chủ tịch UBND các thành phố lớn, có cả Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng. Đặc biệt có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vốn rất hiếm khi có mặt tại các cuộc gặp với DN. Kiến nghị từ các DN, phản hồi từ các bộ trưởng, cam kết từ người đứng đầu Chính phủ nhìn chung khá thực chất và chân thành.
Thủ tướng cũng yêu cầu 2 thành phố Hà Nội và thành phố HCM phải ký cam kết với VCCI phải cải thiện môi trường kinh doanh với các con số định lượng rõ ràng, giám sát được.
Hơn 3h chiều cùng ngày, Thủ tướng chủ trì ngay phiên họp Chính phủ với sự tham dự đầy đủ của các bộ trưởng, để giải quyết ngay các vấn đề lớn, và thảo luận một nghị quyết riêng về phát triển DN. Ngày mai ông có cuộc gặp và nói chuyện với 8.000 công nhân tại Đồng Nai.
Chính phủ mới, cách làm mới, phát biểu của người đứng đầu không hoa mỹ về ngôn từ, không bóng bẩy về câu chữ nhưng người dự cảm nhận sự thiết thực, chân thành.
Rất hy vọng về những chuyển biến tích cực trên thực tiễn!