Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại gia Việt hiến kế xây dựng đất nước giàu mạnh

Các đại gia Việt như ông Trương Gia Bình, ông Lê Phước Vũ, ông Trần Bá Dương…lần đầu cùng lên tiếng hiến kế thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển kinh tế đất nước ở nhiều lĩnh vực.

Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân, lãnh đạo hàng loạt doanh nghiệp (DN) lớn ở Việt Nam đã cùng ngồi lại thảo luận, hiến kế giúp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Zing.vn xin điểm lại một số đề xuất đáng chú ý:

Cần kết nối với mạng lưới Việt Kiều

dai gia Viet anh 1

Chủ tịch Công ty cổ phần FPT Trương Gia Bình. Ảnh: FPT.

Chủ tịch Công ty cổ phần FPT Trương Gia Bình cho rằng việc đưa vị thế Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp sáng tạo là trọng điểm để thay đổi vị thế và tạo tăng trưởng bền vững cho đất nước.

Để làm được điều này, theo ông Bình, giới chức Việt cần tạo môi trường thuận lợi để phát triển khởi nghiệp (start up) như số hóa quy trình quản lý điện tử, xúc tiến kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm có sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp (DN) và tổ chức quốc tế.

“Cần tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực sáng tạo cho kinh tế và xã hội”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm xây dựng được mạng lưới DN và Hiệp hội tiên phong trong hệ sinh thái khởi nghiệp, có các chính sách giúp bảo vệ bản quyền phần mềm, sớm kết nối với mạng lưới Việt Kiều trên toàn thế giới để họ hỗ trợ khởi nghiệp.

Riêng ở lĩnh vực kinh tế số, ông Bình đề nghị các DN Việt, giới chức Việt cần sớm tiếp cận giải pháp công nghệ mới SMAC/IoT trên thế giới. Đặc biệt, giới chức Việt cần hỗ trợ DN kinh tế số lên sàn giao dịch công nghệ.

Chủ tịch FPT cũng khuyến nghị các tổ chức quốc tế hợp tác với các quốc gia có tinh thần khởi nghiệp như Việt Nam, kết nối Việt Nam với các chương trình, quốc gia khởi nghiệp, với các tổ chức uốc tế như World Bank, AFC, ADB…

“Cũng cần khuyến khích các tập đoàn lớn trên thế giới mở các phòng thí nghiệm tại Việt Nam”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Chính phủ, DN phải liên tục cải cách, hoàn thiện

dai gia Viet anh 2

Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen

, người từng khởi nghiệp với 2 chỉ vàng. Ảnh: Vietnamnet.

Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen nêu quan điểm: “Hội nhập là vận hội của quốc gia nếu vận dụng hữu hiệu, nhưng sẽ là nguy cơ tụt hậu hơn nữa nếu chúng ta mải mê với thành tựu. Hội nhập đòi hỏi Chính phủ và DN phải liên tục cải cách, liên tục hoàn thiện”.

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, ông Lê Phước Vũ cho rằng các DN phải thẳng thắn phản ánh những yếu kém nội tại, vướng mắc đang gặp phải để có giải pháp vượt lên và đối thoại với Chính phủ.

Ông cho rằng xét trên bình diện quốc gia, năng lực cạnh tranh của ta còn thấp, nguồn nhân lực nhiều bất cập, năng suất thấp lại tăng chậm, hàm lượng sáng tạo cũng thấp, tăng trưởng không bền vững…

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen khuyến cáo các DN cần phải tự nhận thấy yếu kém của mình từ quy trình tới năng lực thực hành…từ đó tìm ra giải pháp phát triển cho chính mình; còn Chính phủ cần đưa ra những chính sách đối xủ minh bạch, cởi mở với DN tư nhân, xóa bất cập, bất lợi cho DN.

“Hợp tác quốc tế sẽ đem lại nhiều tri thức và cơ hội cho DN”, ông Vũ khẳng định.

Chính phủ cần đưa ra những hình thức đầu tư mới

dai gia Viet anh 3

Chủ tịch HĐQT THACO Group Trần Bá Dương. 

Ảnh: Gia Bảo

Chủ tịch HĐQT THACO Group Trần Bá Dương nói: “Cần chuyển hẳn nhận thức sang nhà nước, chính phủ phục vụ, nâng cao hiệu quả nền hành chính phục vụ nhân dân và DN”.

Ông Trần Bá Dương cho rằng Chính phủ cần đưa ra những hình thức đầu tư mới đảm bảo các DN có thể bình đẳng tiếp cận nguồn vốn qua một thị trường mở, minh bạch và công bằng.

“Cần tránh việc luật đã có mà thực thi rất khó. Muốn thúc đẩy khởi nghiệp cần xây dựng các quỹ đầu tư quốc tế để thiết lập, phát triển vườn ươm DN”, ông Dương nói thêm.

Đặc biệt, ông Dương cho hay cần phải xây dựng sổ tay doanh nhân để giúp họ nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình và ứng xử đúng chuẩn mực văn hóa trong kinh doanh khi điều hành DN.

Công bằng giữa DN nhà nước và DN tư nhân

dai gia Viet anh 4

Ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch Công ty CP Quốc tế Sơn Hà. 

Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch Công ty CP Quốc tế Sơn Hà phản ánh cơ chế chính sách đã được ban hành ở ngành năng lượng sạch còn thiếu hướng dẫn cụ thể, còn nhiều rào cản cần được giải quyết như ưu đãi cho đầu tư, miễn giảm thuế và trợ cấp phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

“Thủ tục đánh giá công nghệ ứng dụng và sản xuất năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn phức tạp, phải qua nhiều đầu mối, cần cải thiện, tập trung vào 1 đầu mối để giảm thời gian chờ đợi”, ông Sơn cho biết.

Tuy vậy, đại diện DN này khẳng định “sẵn sàng tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm và phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả”.

Để làm được điều này, ông Sơn kiến nghị Chính phủ có hành động đầu tư thiết thực và công bằng giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước với thành phần kinh tế tư nhân.

Để DN chấm điểm cán bộ

Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái – Phạm Đình Đoàn đề xuất Chính phủ lập cơ chế để DN tham vấn, đối thoại, giám sát, thậm chí chấm điểm các cơ quan (và cá nhân lãnh đạo) cung cấp dịch vụ công.

Tìm ra nguồn nhân lực mới

Cho rằng mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa trên ưu thế về các nguồn lực truyền thống như nhân công giá rẻ, nguồn tài nguyên dồi dào…đang dần mất lợi thế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Tâm – Võ Quốc Thắng kiến nghị cần tìm ra một nguồn nhân lực mới giúp Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh trên trường quốc tế. 


Kỳ vọng sau hội nghị 'Diên Hồng'

Người đứng đầu Chính phủ đã cho thấy việc gặp gỡ, đối thoại với DN phải đi vào thực chất giải quyết trực tiếp vấn đề của DN, chứ không phải tổ chức hội thảo, gặp nhau rồi ra về.


Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm