Thủ tướng đánh giá cao vai trò của doanh nhân Việt Nam với sự phát triển của đất nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam của VCCI đã tôn vinh, trao tặng danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2022 cho 10 lãnh đạo doanh nghiệp và danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 cho 60 gương mặt khác.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ doanh nhân tới kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh khu vực, thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn. Kết quả tích cực đã hiển thị trên hầu hết lĩnh vực của 9 tháng đầu năm 2022.
“Tuy phải đối mặt với những khó khăn, nền kinh tế của nước ta đã có sự phục hồi vượt bậc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Giới doanh nhân đóng góp lớn vào kết quả của đất nước
Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô, đồng thời kiểm soát được lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng chỉ tăng 2,73%.
Cũng trong giai đoạn này, thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1%, xuất siêu 6,52 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm; cung cấp đủ điện, xăng dầu; tỷ giá lãi suất, đồng tiền Việt Nam được duy trì ổn định hợp lý.
GDP quý III tăng cao 13,67%; 9 tháng đầu năm tăng 8,83%; số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng trên 163.000, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút lui.
Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, vốn FDI thực hiện đạt 15.3 tỷ USD, tăng 16.4% so với cùng kỳ.
Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong 9 tháng đầu năm bất chấp bất ổn vĩ mô thế giới. Ảnh: Viêt Linh. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Ông khẳng định đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Chính phủ sẽ ưu tiên giữ vững kinh tế vĩ mô
Trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ cũng được xem xét thận trọng, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý.
Đối với thị trường vốn, Chính phủ sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp, bảo đảm tăng tín dụng hợp lý, tập trung cho sản xuất kinh doanh nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Người dân và doanh nghiệp cũng được nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng.
Một trong những vấn đề được Thủ tướng lưu tâm là phát triển, lành mạnh hóa, củng cố niềm tin nhà đầu tư với thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, bất động sản.
“Đảng và Nhà nước không hình sự hóa các quan hệ dân sự và bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính nhưng không thể dung túng những hành vi sai trái, lừa đảo để ảnh hưởng niềm tin, tài sản của nhân dân và văn hóa, đạo đức, uy tín nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân chân chính”, Thủ tướng lưu ý.
Để hướng tới môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, khuyến khích phát triển, đổi mới sáng tạo, Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối điều hành song song hoạt động tinh gọn bộ máy hoạt động, cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, cơ chế…