Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phối hợp hoàn thiện thể chế và xây dựng cơ sở dữ liệu chung để quản lý thuế với lĩnh vực thương mại điện tử. Ảnh: H.B. |
Tại công điện gửi các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng cho biết Việt Nam là một trong 4 nước trong khu vực ASEAN đi đầu triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức mới của thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có vấn đề thu thuế.
Do đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý thuế với hoạt động TMĐT như hoàn thiện thể chế quản lý thuế trong hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sản xuất thông minh, giao dịch xuyên biên giới...
Để làm được điều này, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126, trong đó có nội dung sửa đổi về quản lý thuế đối với TMĐT nhằm bảo đảm thuận lợi cho các sàn TMĐT trong kê khai và nộp thuế.
Với các trường hợp vi phạm pháp luật thuế, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạm dừng, thu hồi giấy phép hoạt động trên môi trường mạng của các đơn vị này.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, TP cũng phải phối hợp chặt chẽ nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT.
Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong đó có dữ liệu về tổ chức, cá nhân trong nước có hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên không gian mạng; dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, ví điện tử, chuyển tiền; các sản phẩm, dịch vụ phần mềm; các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới.
Thông tin về các cá nhân có thu nhập từ quảng cáo hay kinh doanh trên các nền tảng chia sẻ video xuyên biên giới trên mạng, TMĐT, mạng xã hội cũng cần được cập nhật liên tục.
Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu phát triển hoặc tích hợp ứng dụng cổng thanh toán, ví điện tử hiện có tại Việt Nam lên ứng dụng công dân số quốc gia VNeID; cũng như nghiên cứu sử dụng định danh xác thực điện tử trong các giao dịch, gắn định danh điện tử với mã số thuế để quản lý thống nhất định danh công dân trên toàn bộ hệ thống của ngành thuế, từng bước cung cấp một số dịch vụ về thuế cá nhân trên VNeID.
Năm 2021, doanh thu TMĐT Việt Nam ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.
Từ năm 2018 đến hết ngày 14/7, số thu từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu đạt 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt 1.200 tỷ đồng/năm. Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế có số thu lớn là Facebook với 2.076 tỷ đồng, Google với 2.040 tỷ đồng, Microsoft với 699 tỷ đồng.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, đã có 26 nhà cung cấp nước ngoài như Microsoft, Facebook, Netflix, TikTok, Samsung... kê khai và nộp thuế sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thuế ghi nhận khoảng 20 triệu USD.
Bên cạnh đó, đã có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (gồm 41 sàn TMĐT bán hàng và 98 sàn cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có mối quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng khách hàng truy cập các sàn trung bình khoảng 3,5 triệu lượt/ngày.