Ôtô hư hại do siêu bão Yagi tại Hà Nội. Ảnh: Thế Bằng. |
Siêu bão Yagi vừa qua đã khiến người dân chịu thiệt hại nặng nề. Sau khi bão rút, việc yêu cầu các công ty bảo hiểm bồi thường là điều cần thiết để khắc phục hậu quả.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, chuyên viên tư vấn bảo hiểm và tài chính của AIA Exchange Trần Huyền cho biết khách hàng có ôtô gặp nạn vì siêu bão Yagi cần trực tiếp gọi đến tổng đài để được hỗ trợ các thủ tục giải quyết.
"Mỗi hãng sẽ có một hướng dẫn khác nhau. Nhưng quan trọng nhất vẫn là khi xảy ra sự việc, khách hàng cần liên hệ với hãng bảo hiểm càng sớm càng tốt và giữ nguyên hiện trường", chị Huyền đưa lời khuyên.
Cũng theo chị Huyền, quy trình cơ bản yêu cầu bồi thường bảo hiểm ôtô gồm 4 bước.
Bước 1: Gửi thông báo tai nạn bằng cuộc gọi điện thoại kèm theo văn bản/hình ảnh tới công ty bảo hiểm trong thời gian sớm nhất. Đây là bước bắt buộc để khởi động quy trình yêu cầu bồi thường với bên bảo hiểm.
Bước 2: Xử lý tai nạn ban đầu. Căn cứ mức độ tổn thất và xác định có lỗi của bên thứ 3 hay không, khách hàng cần có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc chính quyền tại nơi xảy ra sự cố dẫn đến thiệt hại.
Bước 3: Phía bảo hiểm tiến hành giám định cùng các bên liên quan. Kết quả giám định phải có chữ ký của giám định viên, từ đó quyết định sửa chữa hay thay thế tổn thất.
Tại bước này, giám định viên sẽ tới hiện trường để kiểm tra các hạng mục tổn thất, nguyên nhân dẫn tới tổn thất, ước tính mức độ thiệt hại từ sự cố, mức miễn thường bảo hiểm, hướng giải quyết sơ bộ sau khi xảy ra tai nạn.
Đồng thời, cùng với người phụ trách gói bảo hiểm khách hàng hướng dẫn người được hưởng bảo hiểm làm các giấy tờ trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới, để quá trình nhận bồi thường được diễn ra sớm nhất.
Bước 4: Xử lý bồi thường bảo hiểm ôtô. Công ty bảo hiểm sẽ bảo lãnh thanh toán tại nơi sửa chữa khi nhận đầy đủ giấy tờ, hồ sơ. Chủ xe ký biên bản nghiệm thu, ký hợp đồng và nhận xe về.
Hồ sơ bồi thường bảo hiểm ôtô cần các giấy tờ liên quan đến xe như giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe và giấy tờ tuỳ thân khác của chủ xe như căn cước công dân, hộ chiếu.
Chủ xe cũng cần cung cấp thêm giấy tờ chứng minh thiệt hại về tài sản (bản gốc) bao gồm hóa đơn/chứng từ về việc sửa chữa hoặc thay mới phần bị thiệt hại do chủ xe thực hiện tại các xưởng sửa chữa được sự đồng ý/chỉ định của công ty bảo hiểm.
Bên cạnh đó là giấy tờ chứng minh chi phí mà chủ xe đã chi ra theo sự hướng dẫn của công ty bảo hiểm, giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền về sự cố (bản sao, biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có), biên bản khám nghiệm phương tiện có liên quan, thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu, các tài liệu khác có liên quan đến sự cố.
Nếu có thiệt hại về người, chủ xe cũng cần cung cấp thêm giấy tờ chứng minh (bản sao của bệnh viện/cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của công ty bảo hiểm) gồm giấy chứng nhận bảo hiểm, chứng nhận thương tích, chứng nhận phẫu thuật, giấy ra viện, giấy chứng tử (trong trường hợp nạn nhân tử vong).
Chuyên viên tư vấn bảo hiểm và tài chính của AIA Exchange cũng nhấn mạnh để có thể hoàn thành các thủ tục bồi thường bảo hiểm ôtô một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất, chủ xe cần phối hợp chặt chẽ và tuân thủ với các quy định mà công ty bảo hiểm đề ra.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.