“Đặt trong hoàn cảnh như hiện nay, chắc chắn một trọng tâm mà các nhà lãnh đạo không thể không tập trung là tiếp tục ứng phó dịch Covid-19 và có được sự phục hồi sớm nhất cho ASEAN”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, cũng là Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, chia sẻ trong buổi họp báo chiều ngày 23/6.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng (trái) cùng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo chiều 23/6. Ảnh: Trọng Thuấn. |
ASEAN từ lâu đã muốn họp trực tuyến
Tại phiên họp toàn thể của hội nghị vào buổi sáng, các lãnh đạo sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về ba trụ cột trong xây dựng Cộng đồng ASEAN: kinh tế, an ninh - chính trị và văn hóa - xã hội.
Cụ thể, ASEAN đang đánh giá giữa kỳ kế hoạch thực hiện Cộng đồng ASEAN đến năm 2025, kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN, thảo luận về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, triển khai các biện pháp tăng cường hình ảnh, bản sắc của ASEAN, và đẩy mạnh hợp tác với các đối tác khác.
Buổi chiều sẽ diễn ra phiên họp đặc biệt của lãnh đạo ASEAN về tăng quyền cho phụ nữ trong kỷ nguyên số, và các phiên đối thoại giữa lãnh đạo ASEAN với đại diện Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), đại diện thanh niên ASEAN, và đại diện Hội đồng tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC).
Trước đó, các hội nghị trù bị sẽ diễn ra trong các ngày 22-24/6. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ chủ trì các hội nghị bộ trưởng ngoại giao của ASEAN. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì hội nghị các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP). Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN lần thứ 23.
“ASEAN từ lâu đã ước mơ sẽ tăng cường các cuộc họp trực tuyến để giảm đi lại và chi phí, nhiều năm qua dù có nhiều cố gắng nhưng chúng tôi chưa thực hiện được”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói với các phóng viên. “Nhưng Covid-19 buộc chúng tôi phải họp trực tuyến”.
Ông cho biết họp trực tuyến “không thân thiết” bằng gặp trực tiếp, vì khó có thể bày tỏ tình cảm, bắt tay, khó tổ chức thêm gặp song phương, nhưng nhờ điều kiện kỹ thuật, vẫn có thể trao đổi, tương tác, chuyển tải không khác gì gặp mặt.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tại họp báo chiều 9/4. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
“Mong muốn Ấn Độ quay lại RCEP”
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng bình luận thêm về một số chủ đề được quan tâm lớn như hiệp định RCEP và Bộ quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC).
Có 16 nước đã tham gia đàm phán hiệp định RCEP, gồm 10 thành viên ASEAN và 6 đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Hiện 15 nước đã đàm phán xong hiệp định, chỉ còn Ấn Độ đang tạm thời rút khỏi đàm phán.
Về hiệp định này, ông Dũng cho biết “mong muốn Ấn Độ sẽ tham gia (trở lại) cùng các nước, các cuộc đàm phán vẫn đang mở cửa và cũng tính đến các nội dung làm sao để đáp ứng thêm yêu cầu để phía Ấn Độ có thể tham gia”.
“Chúng tôi không chắc từ này tới cuối năm, Ấn Độ có thể tham gia không, nhưng các nước còn lại rất quyết tâm để có thể ký được hiệp định trong năm nay”, thứ trưởng nói.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ngày 23/6 khẳng định Việt Nam đang phối hợp với các nước ASEAN và 6 nước đối tác để sớm hoàn tất đàm phán cũng như rà soát pháp lý, chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định vào tháng 11/2020 tại Hà Nội, theo thông cáo của Bộ Công Thương.
Thứ trưởng Dũng cho biết “rất đáng tiếc” khi trong năm nay chưa có thêm cuộc họp về COC.
“Vì dịch Covid-19 nên từ đầu năm tới nay chưa họp lần nào về COC cả. Họp gần nhất là tháng 10/2019 tại Đà Lạt, và lúc đó các nước đã sẵn sàng để bước vào vòng đàm phán, vòng đọc lần hai văn bản dự thảo về COC, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có được cuộc họp như vậy”, ông nói.
Ngày 1/7 sắp tới sẽ có cuộc họp ở cấp SOM về hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, và “đây sẽ là một trong những nội dung mà chúng tôi sẽ bàn”, theo thứ trưởng.
“Giữa ASEAN và Trung Quốc có nhiều cơ chế hợp tác, cuộc họp hôm tới (1/7) không phải họp về COC hay DOC (Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông) vì có cơ chế họp ASEAN - Trung Quốc cho COC và DOC riêng, nhưng họp hôm tới sẽ nhắc đến chuyện này và tính xem sẽ khởi động lại đàm phán COC vào lúc nào”, ông giải thích thêm.
Trước câu hỏi liệu Việt Nam có nêu những diễn biến gần đây ở Biển Đông tại hội nghị cấp cao tới hay không, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói: “Đã là tình hình, diễn biến thì thế nào cũng được phản ánh. Trong nội dung đều có ‘trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế’ - nên sẽ không ai lẩn tránh và sẽ được các lãnh đạo, các bộ trưởng trao đổi”.
“Những gì diễn ra trên thực tế sẽ được đặt trên bàn của hội nghị”, ông bình luận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok, Thái Lan, vào tháng 11/2019. Ảnh: TTXVN. |
“Cạnh tranh Mỹ - Trung gây khó xử”
Các câu hỏi cũng được đặt ra về thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN hay thách thức từ cạnh tranh nước lớn.
Hiện giao dịch nội khối trong ASEAN rất thấp (chỉ hơn 20%) so với các tổ chức khác như Liên minh châu ÂU (EU), theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng.
“Vì đang còn rất thấp nên chúng tôi thấy phải bằng mọi cách đẩy nó lên. Covid-19 cũng là lời cảnh tỉnh giúp các nước phải nghĩ tới thị trường nội địa của mình và trong khối mà mình tham gia”, Thứ trưởng Dũng cho biết.
“Chúng ta (các nước ASEAN) dựng lên hàng rào phi thuế quan rất nhiều để bảo vệ hàng hóa của mình”, ông Dũng nói. “Để tăng thương mại nội khối, cần tăng cường hợp tác, chia sẻ, cần nhiều biện pháp chung. Ý chí chính trị là một chuyện, nhưng vẫn còn vấn đề lợi ích của doanh nghiệp và các nước, nên sẽ không đơn giản”.
“Nhưng ít ra chúng ta đã đặt lên bàn, coi là vấn đề để mổ xẻ, phân tích, tìm ra giải pháp. Không làm được ngay sớm nhưng sẽ từ từ chuyển động theo hướng tăng giao dịch nội khối lên”.
Ông Dũng cũng nhắc lại lập trường lâu nay của ASEAN là không chọn bên dù cạnh tranh Mỹ - Trung gây khó khăn về ứng xử cho cả thế giới, bao gồm ASEAN.
“Các nước lớn cạnh tranh nhau... đặt ra nguy cơ các nước phải chọn bên, nhưng ASEAN đã xác định rồi, các nước thành viên ASEAN cũng vậy, là ASEAN sẽ không chọn bên mà sẽ chỉ chọn lợi ích của ASEAN”, ông nói.
“Như trước Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì ASEAN đã đưa ra tài liệu AOIP (Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương) để khẳng định lập trường riêng của ASEAN về khu vực, là cách để ASEAN giữ vai trò trung tâm ở khu vực, và tôi tin tinh thần đó sẽ tiếp tục được thể hiện ở hội nghị cấp cao sắp tới và hội nghị cấp cao tháng 11”.