Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: H.H. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, tập đoàn POSCO là tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Trong dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai, POSCO thực hiện 3 gói thầu A 1,2,3. Trong dự án cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tập đoàn tham gia gói thầu số 3 và số 5.
Về việc báo chí nêu tập đoàn POSCO lập quỹ để thanh toán cho các nhà thầu phụ, ông Trường khẳng định, Bộ chưa có thông tin chính thống về vấn đề này.
"Việc POSCO dùng quỹ này để thanh toán cho các nhà thầu phụ là việc của POSCO, Bộ GTVT và Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam không can thiệp", Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Thông tin thêm về dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Thứ trưởng Trường cho biết, dự án được thực hiện từ nguồn vốn ODA, trị giá 1,2 tỷ, thời gian thực hiện 2009-2014. Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) thay mặt Bộ GTVT thực hiện. Dự án có 8 gói thầu và được đấu thầu quốc tế, có sự giám sát của các nhà tài trợ.
“Mọi việc làm đều thực hiện rất nghiêm ngặt, có cả sự giám sát của Kiểm toán nhà nước”, Thứ trưởng Trường nói.
Theo Korea Times, một số lãnh đạo POSCO điều hành các đơn vị thi công xây dựng các dự án tại Đông Nam Á bị cáo buộc đã lập một quỹ đen lên đến 10 tỷ won (gần 199 tỉ đồng) bằng cách thông đồng với các nhà thầu phụ ở địa phương để thổi phồng các chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam giai đoạn 2009 đến 2012.
Phối cảnh tuyến đường sắt số 1 dính nghi án "quan chức" nhận hối lộ. |
Trước thông tin Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) yêu cầu Việt Nam trả lại tiền giải ngân cho gói hợp đồng tư vấn kỹ thuật dự án đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi (Hà Nội), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, dự án mới thực hiện khâu đấu thầu tư vấn thiết kế, tiền phải ứng cho nhà thầu. Tuy nhiên, dự án đang tạm dừng. Phía nhà tài trợ đã giải ngân, nên nhà tài trợ yêu cầu trả lại tiền.
"Đây là thông lệ quốc tế, quốc gia nào cũng phải thực hiện", ông Nguyễn Hồng Trường nói.
Về việc xử lý các cán bộ liên quan tới vụ Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ các quan chức ngành đường sắt Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết. phía Việt Nam đang xử lý, chưa kết thúc nên chưa thể thông tin. Sau khi có kết luận, cá nhân, tổ chức nhận hối lộ sẽ phải hoàn tiền cho phía Nhật Bản và bị xử lý theo pháp luật.
Ngày 1/4 tại Hà Nội, trả lời các câu hỏi của báo giới liên quan đến dự án đường sắt đô thị trên cao tại Hà Nội, ông Yamamoto Kenichi, Phó trưởng đại diện JICA cho hay, phía Nhật Bản đang yêu cầu Việt Nam hoàn lại số tiền đã giải ngân cho hợp đồng tư vấn trong dự án này vì đã để xảy ra sai phạm.
Lãnh đạo JICA cho biết, dự án vẫn tiếp tục triển khai, bởi người có lỗi là người đưa và nhận hối lộ chứ không phải bản thân dự án.
Tuy nhiên, ông Yamamoto Kenichi mong rằng sẽ không có lần thứ ba về việc nhận hối lộ trong các dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Theo vị lãnh đạo JICA, nếu Việt Nam tiếp tục để xảy ra tình trạng hối lộ trong dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản, người dân Nhật Bản sẽ yêu cầu chính phủ ngừng cung cấp ODA cho Việt Nam.
Năm 2008, vụ việc bê bối thứ nhất sử dụng vốn ODA của Nhật Bản xảy ra khi Việt Nam triển khai dự án Đại lộ Đông Tây (TP HCM). Ông Huỳnh Ngọc Sỹ - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây TP HCM nhận bản án 20 năm tù vì tội hối lộ.
Năm 2014, một số cán bộ Tập đoàn JTC đưa hối lộ quan chức Đường sắt Việt Nam khi thực hiện dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội bị phanh phui. Vụ việc đang được điều tra, làm rõ.
Cả hai vụ việc trên, đều do báo chí Nhật Bản phát hiện.