Ngày 1/4 tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức họp báo thường niên kết thúc năm tài khóa 2014 của JICA.
Trả lời một loạt các câu hỏi của báo giới liên quan đến dự án đường sắt đô thị trên cao tại Hà Nội, ông Yamamoto Kenichi, Phó trưởng đại diện JICA cho hay, phía Nhật Bản đang yêu cầu Việt Nam hoàn lại số tiền đã giải ngân cho hợp đồng tư vấn trong dự án này vì đã để xảy ra sai phạm.
Lãnh đạo JICA khẳng định dự án vẫn tiếp tục triển khai.
“Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cung cấp chi phí để triển khai dự án. Việc hối lộ liên quan đến dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1- giai đoạn I bằng vốn ODA của Nhật Bản là có. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, người có lỗi là người đưa và nhận hối lộ chứ không phải là bản thân dự án.
Hiện, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan giám sát của Nhật Bản cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính của Việt Nam thảo luận để làm sao đi đến một cơ chế. Đó là cần thiết phải có bên thứ ba hoàn toàn độc lập với hai bên liên quan trực tiếp đến dự án để giám sát và có những đánh giá trong quá trình triển khai. Ví dụ như đấu thầu hay những cam kết trong hợp đồng bị chậm thì bên thứ 3 này sẽ tự động đánh giá đưa ra ý kiến về việc này”.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi triển khai từ năm 2013. |
Lãnh đạo JICA cũng mong rằng không có lần thứ ba về việc nhận hối lộ trong dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Tình trạng nhận hối lộ ở vụ thứ nhất xảy ra vào năm 2008 liên quan đến đại lộ Đông Tây và vụ thứ hai xảy dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội.
Nếu phía Việt Nam để xảy ra tiếp tình trạng này trong dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản thì người dân Nhật sẽ yêu cầu chính phủ dừng cung cấp ODA cho Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới, phía Việt Nam và Nhật Bản cần phải làm việc nghiêm túc.
Liên quan đến khoản tiền hỗ trợ của JICA, lãnh đạo cơ quan này cũng cho biết, Nhật Bản luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu. Do vậy, trong năm tài khóa 2015, Nhật rất muốn duy trì khoản ODA cho Việt Nam như năm tài khóa 2013 với tổng vốn vay ODA đã ký vào khoảng 165,6 tỷ yen.
Tuy nhiên, Nhật Bản rất coi trọng các yếu tố về thời gian và tốc độ triển khai. Việc chậm trễ của các khoản vay chính là do vướng mắc giữa các thủ tục của Việt Nam. Do vậy, việc có hỗ trợ được đúng như con số này hay không thì phía Nhật Bản không hoàn toàn cam kết và phụ thuộc vào phía Việt Nam.