Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thứ trưởng Bộ GTVT: 'Không để lặp lại bất cập BOT ở cao tốc Bắc - Nam'

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết Bộ đã làm việc với gần 110 đoàn kiểm tra về các dự án BOT. Bộ sẽ không để lặp tại các tồn tại bất cập trên dự án cao tốc Bắc - Nam.

Cao tốc Bắc - Nam sẽ tránh chạy qua khu dân cư, trung tâm kinh tế Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật Khẳng định khi xây dựng, cao tốc Bắc - Nam sẽ tránh chạy qua các khu đông dân cư, trung tâm kinh tế để giảm chi phí giải phóng mặt bằng.

Cuối tuần này, dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam nhánh phía đông sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua về mặt chủ trương. Theo đó, dự án này dài hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh, thành. Dự kiến kinh phí đầu tư lên đến hơn 310.000 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD).

Trao đổi với Zing.vn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay việc huy động vốn khổng lồ để thực hiện dự án này đã được tính toán.

4 năm huy động 50.000 tỷ đồng

- Thưa Thứ trưởng, tại sao chúng ta phải gấp gáp trong việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam?

- Trong quy hoạch của Chính phủ, dự kiến đến năm 2020, chúng ta phấn đấu có 2.000-2.500 km cao tốc. Tổng số cao tốc trong tương lai là hơn 6.100 km.

Dựa vào quy hoạch trên, thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt và đã hoàn thành gần 750 km trên tổng số hơn 6.100 km. Con số này vẫn rất hạn chế.

cao toc Bac - Nam anh 1
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật. Ảnh: Văn Chương.

Bộ GTVT bắt đầu nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam từ năm 1997 chứ không phải một hai năm nay. Chúng tôi khẳng định đây là một dự án cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay quốc lộ 1 đã được mở rộng nhưng các phương tiện lưu thông chỉ với tốc độ 40-50 km/h. Điều này dẫn đến lãng phí thời gian, vật chất của các doanh nghiệp.

Đến nay, Bộ GTVT đã làm việc với gần 110 đoàn kiểm tra về BOT như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ ngành…

Thứ trưởng Nguyễn Nhật

Do là loại hình giao thông hỗn hợp, tình trạng tai nạn giao thông xảy ra rất nhiều trên tuyến này. Theo thống kê, mỗi năm có gần 9.000 người chết, trong đó xảy ra ở quốc lộ 1 chiếm 30-40%.

- Dư luận đang rất quan tâm ngành giao thông lấy khoản kinh phí khổng lồ trên từ đâu để thực hiện dự án?

- Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ phân cho Bộ GTVT 75.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Trong đó, 5.000 tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành. 70.000 tỷ đồng còn lại, theo Nghị quyết 26 của Quốc hội dành cho các dự án quan trọng của quốc gia.

Quá trình xem xét và nghiên cứu, Bộ GTVT kiến nghị dùng 55.000 tỷ đồng xây dựng cao tốc Bắc - Nam. 15.000 tỷ đồng còn lại vào các dự án trọng điểm. Hiện Bộ có danh sách 21 dự án quan trọng cần nguồn kinh phí 27.000 tỷ đồng.

Đối với cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi đề xuất thực hiện từng đoạn tuyến cấp bách, khẩn trương trước. Bộ GTVT đã khảo sát và kiến nghị thực hiện trước hơn 650 km ở giai đoạn 1. Đây là những đoạn tuyến lưu lượng xe vượt năng lực hạ tầng.

Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là hơn 118.000 tỷ đồng. Chúng ta đã có 55.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Việc huy động 63.000 tỷ đồng trong 4 năm không quá khó khăn.

cao toc Bac - Nam anh 2
Trong tổng số 75.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, 55.000 tỷ sẽ dành cho cao tốc Bắc - Nam. Đồ họa: Văn Chương.

Các doanh nghiệp tham gia dự án sẽ chuẩn bị 13.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. 50.000 tỷ đồng sẽ được huy động từ các tổ chức tín dụng. Mỗi năm chúng ta chỉ huy động 12.000 tỷ đồng.

- Thời gian qua, việc thực hiện dự án BOT tồn tại nhiều vấn đề. Điều này có khiến các doanh nghiệp “chùn chân” khi tham gia vào cao tốc Bắc - Nam?

- Đúng là quá trình triển khai các dự án BOT thời gian qua xảy ra một số hạn chế, bất cập. Trong những năm qua, Bộ GTVT đã làm việc với gần 110 đoàn kiểm tra về BOT như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra một số bất cập liên quan đến việc thực hiện dự án theo hình thức BOT.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ chủ yếu đi vào khu rừng, núi, đất phi nông nghiệp để giảm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng

Thứ trưởng Nguyễn Nhật

Kết luận của Ủy ban Thường vụ, Thanh tra, Kiểm toán là những cơ sở giá trị để chúng tôi rút kinh nghiệm dự án BOT sắp tới. Chúng tôi tin rằng sẽ xử lý được bất cập, hạn chế.

Còn về cao tốc Bắc - Nam, các cơ chế chính sách về dự án đã được xây dựng kỹ càng, minh bạch để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia.

Nhà nước sẽ giải phóng mặt bằng, cho tư vấn nghiên cứu, thiết kế trước để đưa ra các dự toán, cơ chế phí, lệ phí cũng đã có trong tờ trình… Tất cả đều rất rõ ràng.

Tránh khu đông dân

- Ở các dự án lớn, việc giải phóng mặt bằng thường tốn thời gian và kinh phí nhiều nhất. Bộ GTVT sẽ làm gì để tháo gỡ khó khăn này?

- Chúng tôi rất chú trọng đến việc giải phóng mặt bằng. Bộ GTVT rằng đây là khâu quan trọng, phức tạp nhất trong việc thực hiện các dự án.

Đơn vị tư vấn đã đến từng địa phương đo, vẽ một cách cụ thể. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi tránh các trung tâm kinh tế, khu vực đông dân cư.

- Nhiều chuyên gia cho rằng việc đầu tư dự án này phải nhìn lại bài học lãng phí từ tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Quan điểm của ông như thế nào?

- Khi triển khai đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quá trình huy động vốn hết sức khó khăn.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ 4.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, nhưng đến giờ vẫn chưa có. Làm đường cao tốc quy mô 6 làn xe nhưng doanh nghiệp phải lo hết. Chi phí nhiều lên, thời gian thu hồi vốn phải kéo dài hơn.

cao toc Bac - Nam anh 3
Nhiều đoạn tuyến nằm trên cao tốc Bắc - Nam đã được đưa vào khai thác. Ảnh: Lê Hiếu.

Để tránh chi phí đầu tư quá cao trong dự án cao tốc Bắc - Nam, nhà nước đã quyết định tham gia tới 39%. Nhà nước sẽ giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Tiền tư vấn, thiết kế ban đầu nhà nước đều bỏ tiền ra. Có nghiên cứu kỹ lưỡng, chu đáo để tránh tổng mức đầu tư tăng lên.

- Bao giờ chúng ta có thể bắt tay vào thực hiện dự án này?

- Nếu các cơ chế, chính sách Bộ GTVT trình Chính phủ, Quốc hội được thông qua, đầu năm 2019 chúng ta triển khai giai đoạn 1, đến 2021 sẽ hoàn thành.

Trong thời gian tới các dự án BOT, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam sẽ thực hiện đấu thầu 100% theo Nghị định 15 và 30 của Chính phủ.

Lộ trình xây cao tốc Bắc - Nam 15 tỷ USD Theo tờ trình của Chính phủ, cao tốc Bắc - Nam dài hơn 2.100 km được đầu tư trong 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư trên 310.000 tỷ đồng.


Văn Chương thực hiện

Bạn có thể quan tâm