Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiền đâu để làm cao tốc Bắc - Nam?

Chuyên gia Trần Đình Thiên khẳng định khi xây dựng cao tốc Bắc - Nam, cần xem hiệu quả từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng như một bài học.

Lộ trình xây cao tốc Bắc - Nam 15 tỷ USD Theo tờ trình của Chính phủ, cao tốc Bắc - Nam dài hơn 2.100 km được đầu tư trong 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư trên 310.000 tỷ đồng.

Sáng 1/11, phát biểu tại buổi tọa đàm “Xây dựng cao tốc Bắc - Nam nhánh đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực” do Báo Giao thông tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định việc đầu tư xây dựng dự án là vô cùng cần thiết.

Bộ GTVT đã nghiên cứu xây dựng tuyến cao tốc này từ năm 1997-1998 chứ không phải 1, 2 năm nay. Đến năm 2016, Bộ đã rà soát lại tổng thể và phân kỳ theo Nghị quyết 13, làm đoạn cấp bách trước. Một số đoạn nếu không đầu tư, đến năm 2020 sẽ tắc nghẽn.

Cao toc Bac - Nam anh 1
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật. Ảnh: Văn Chương.

Cũng cần nói thêm, quốc lộ 1 dù mới được nâng cấp, mở rộng nhưng đi qua các đô thị chỉ được 40-50 km. Giao thông trên quốc lộ 1 hiện là giao thông hỗn hợp. TNGT vẫn đang ở mức rất cao, dù đã giảm được 5-10% theo Nghị quyết Quốc hội nhưng mỗi năm vẫn có gần 9.000 người chết. Trong đó, TNGT trên quốc lộ 1 chiếm 30-40%.

Cùng đó, chi phí logistics của Việt Nam vẫn rất cao do giao thông chưa thực sự thuận lợi. Điều này khiến hàng hoá của Việt Nam bị đội giá, kém cạnh tranh.

Ông Nguyễn Danh Huy (Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác Công tư - Bộ GTVT) cho hay Hà Nội tới TP.HCM dài hơn 1.600 km, gần một nửa bị hạn chế tốc độ trên quốc lộ 1 (không quá 60 km/h).

Cao tốc mới cho phép chạy với tốc độ 90 km/h. Hơn nữa, việc không cho xe máy chạy vào cao tốc và không có điểm giao cắt bằng nên rất an toàn. Khi khai thác, các phương tiện giảm thời gian, an toàn.

Việc khai thác của lái xe thuận lợi hơn rất nhiều. Đây là điểm thu hút các phương tiện lưu thông tên tuyến cao tốc này.

Chuyên gia Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định việc xây dựng cao tốc Bắc - Nam có nhiều vấn đề cần đặt ra như làm sao để thu hút đầu tư, quy hoạch ra sao và phí trên đường như thế nào.

Vị này khẳng định khi đầu dự án này cần phải nhìn vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và coi đó như một bài học. Trước đây, khi đầu tư xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chúng ta kỳ vọng sẽ giúp cả vùng dọc tuyến này bùng dậy. Nhưng thực tế thì hiệu quả không đúng với số tiền đầu tư ra.

Trước đây, ngành giao thông cũng khẳng định không có đường nào cấp bách như Hà Nội - Hải Phòng. Tuy nhiên, khi đưa vào khai thác, hiệu quả tài chính, hiệu quả xã hội chưa đúng như kỳ vọng. Lưu lượng xe trên cao tốc này rất thấp. Các lái xe vẫn đi nhiều trên đường 5 gây ùn tắc.

Cao toc Bac - Nam anh 2
Chuyên gia Trần Đình Thiên lo ngại dự án không hiệu quả như kỳ vọng. Ảnh: Văn Chương.

Chuyên gia Trần Đình Thiên lưu ý việc đầu tư này cần phải tính toán được mối quan hệ giữa xây dựng đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc, đường bộ, đường hàng không.

“Liệu hiệu quả có tương xứng với mức đầu tư không khi các hãng hàng không đang phát triển rất nhanh. Từ Hà Nội đi Nghệ An bằng máy bay chỉ khoảng 2 tiếng là có thể ngồi uống cà phê rồi. Vận chuyển hàng hóa thì có đường sắt Bắc - Nam và tới đây là đường sắt cao tốc Bắc - Nam”, chuyên gia Trần Đình Thiên nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Danh Huy thông tin địa phương nào cũng muốn có đường cao tốc đến tận nơi. Nhưng vấn đề là nguồn lực có đủ không, đầu tư có hiệu quả không.

Nếu đầu tư để cho 100 năm sau thì chắc chắn thời gian đầu sẽ lãng phí. Như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bộ GTVT tính cho năm 2050. Thời điểm này chắc chắn thấy rõ là không hiệu quả. Chính vì thế, Bộ GTVT mới đề ra việc đầu tư các đoạn tuyến ưu tiên để có thể khai thác hiệu quả.

Cao toc Bac - Nam anh 3
Theo ông Nguyễn Danh Huy, một năm đầu thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam không cần phải huy động nguồn lực do đã có trái phiếu Chính phủ. Ảnh: Văn Chương.

Trả lời về nguồn lực để đầu tư xây dựng, ông Huy cho biết đã có 55.000 tỷ trái phiếu Chính phủ để lập dự án, giải phóng mặt bằng...  Như vậy trong 1 năm đầu tiên không phải huy động nguồn lực.

Giai đoạn 1, ngành giao thông cần 63.000 tỷ đồng huy động nhà đầu tư. Trong đó, 13.000 vốn chủ sở hữu nhà đầu tư, số còn lại là huy động các tổ chức tín dụng trong nước.

"Trong trường hợp không huy động được vốn nước ngoài thì tôi cho rằng nguồn lực từ các ngân hàng tín dụng trong nước đủ đáp ứng. Vấn đề này Chính phủ đã tính toán", ông Huy nói.

Cuối tuần này, Chính phủ trình Quốc hội “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020”. Quốc hội sẽ xem xét để thông qua chủ trương đầu tư vào cuối kỳ họp.

Theo tờ trình, tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh thành phố được và đầu tư theo ba giai đoạn.

Giai đoạn một (2017-2020) dự kiến đầu tư khoảng hơn 650 km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh thành.

Giai đoạn hai (2021-2025): Chính phủ đề xuất đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang, nâng cấp, đưa vào sử dụng đoạn La Sơn - Túy Loan từ 2 lên 4 làn xe.

Giai đoạn sau năm 2025: đầu tư, khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau. Hai giai đoạn này sẽ đầu tư thêm hơn 700 km cao tốc.

Theo đó, trong giai đoạn một, hơn 8.200 hộ dân bị ảnh hưởng, hơn 2.000 hộ tái định cư. Tổng số tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho giai đoạn này là 14.000 tỷ đồng.

Cần 6 tỷ USD để làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1

Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp Quốc hội lần này, một số đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam sẽ được khởi công trong năm 2019.


Văn Chương

Bạn có thể quan tâm