Thông tin trên được nêu tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) diễn ra vào chiều 5/1.
Năm 2022, VNR đạt tổng doanh thu 7.718,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính tổng lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp vẫn lỗ 130,5 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, mức lỗ giảm được 407 tỷ đồng.
Tổng công ty Đường sắt chưa thoát được điệp khúc thua lỗ, dù mức lợi nhuận âm có giảm. Ảnh: Liêu Lãm. |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá dịch vụ vận tải là sản phẩm cuối cùng cung cấp đến người dân và doanh nghiệp, do đó phải cải thiện chất lượng dịch vụ.
"Chất lượng ở đây là an toàn, đúng giờ, thuận tiện cho người dân. Không phải bán cái ta có mà bán cái thị trường cần", ông Huy nói và nêu ví dụ ngành vận tải đường sắt đang cung ứng toa xe có khoang 2 giường có chất lượng tốt, bán được giá cao.
Về lĩnh vực cơ khí đường sắt, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết tỷ lệ nội địa hóa tại một số xí nghiệp đầu máy toa xe được báo cáo lên tới 80%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện mới tập trung vào khách hàng duy nhất là VNR. Sắp tới, ngành cơ khí đường sắt cần nâng cao chất lượng, hướng đến sản xuất được đầu máy toa xe của đường sắt đô thị như Hanoi Metro đang khai thác sử dụng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Tân. |
Xác định trong năm 2023 có nhiều nhiệm vụ quan trọng, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cam kết Bộ GTVT luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh khẳng định mục tiêu trong năm 2023 là khâu sản xuất kinh doanh của công ty bắt đầu có lãi.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau cùng của VNR vẫn sẽ âm 55 tỷ đồng. Trong đó, mảng bán hàng và cung cấp dịch vụ dự kiến lỗ 27 tỷ đồng. Hoạt động khác lỗ 28 tỷ đồng.
Về ý tưởng mở rộng đối tượng khách hàng của lĩnh vực cơ khí đường sắt, ông Mạnh thừa nhận lĩnh vực cơ khí luôn là mối trăn trở, nhưng một năm không lắp ráp được được bao nhiêu đầu máy toa xe. Sắp tới, doanh nghiệp mong muốn được tham gia bảo trì kết cấu hạ tầng của đường sắt đô thị.
Chia sẻ với phóng viên tại hội nghị, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro (đơn vị vận hành tàu điện Cát Linh - Hà Đông), cho biết sẽ phối hợp với VNR trong khâu bảo trì đường sắt đô thị. Tuy nhiên, ông Trường lưu ý việc này cần có hành lang pháp lý để đảm bảo không vi phạm quy định pháp luật.
Một mối lo khác của VNR là có 60 đầu máy và hơn 500 toa xe sẽ hết niên hạn vào cuối năm 2023. Số thiết bị này nếu đầu tư mới sẽ tốn 8.000 tỷ đồng. Do đó, Tổng công ty phải xin được cơ chế, nếu không sẽ rất khó khăn và căng thẳng.
Hiện nay, các dự án đường sắt đô thị được triển khai tại Hà Nội và TP.HCM đều nhập 100% thiết bị đầu máy, toa xe từ nước ngoài. Các đoàn tàu sử dụng năng lượng điện, chạy trên khổ ray tiêu chuẩn 1.435 mm.
Trong khi đó, ngành cơ khí đường sắt trong nước đang vận hành thông qua các xí nghiệp đầu máy, toa xe do VNR nắm cổ phần. Các xí nghiệp này sản xuất được thiết bị cho đường sắt quốc gia (chạy dầu diesel, khổ ray 1.000 mm) nhưng chưa có các sản phẩm cho đường sắt đô thị.
Sách hay về đô thị
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.
Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.