Cách đây vài năm, những con cá nàng hai (thác lác cườm) trọng lượng chừng 2-3kg/con có giá tới vài triệu đồng và chỉ được làm cảnh. Một nông dân ở Đồng Tháp đã biến “nàng hai” thành đặc sản trên bàn ăn với giá bình dân.
Ông Tuyến chăm sóc cá nàng hai nuôi trong lồng bè. |
Suýt phá sản với cá
Ông Phạm Quang Tuyến đang sở hữu nhiều ha đất đầm nuôi cá, thu lãi mỗi năm vài tỷ đồng. Ở Đồng Tháp, ông Tuyến được coi là người nuôi cá nàng hai nhiều nhất, sản lượng thu hoạch mỗi năm vài trăm tấn. Sau nhiều năm làm “người nhà nước”, năm 2003 ông Tuyến xin nghỉ và... nhảy ra làm nông dân với 1ha đất ở xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp).
Ban đầu ông nuôi ba ba. Thất bại nối tiếp thất bại nên ông bỏ con ba ba chuyển qua nuôi cá tra “cho giống với người ta” và lại thua lỗ, đất đai chờ ngân hàng... phát mãi. Đang tính chuyện “về quê cắm câu” vì hết vốn sản xuất, ông Tuyến nghe thông tin người ta đã nuôi được con cá nàng hai thương phẩm. Có điều giá thành lúc này vẫn khá cao bởi cá nàng hai ăn mồi sống, mà thứ mồi này giá cả lại không ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro vì bản thân “mồi” cũng mang nhiều mầm bệnh.
Ít vốn, ông Tuyến quay lại cồn Ông (xã Tân Khánh Trung, TX.Sa Đéc - nay là thành phố) nuôi thử 300 con cá nàng hai ngay trong năm 2007. Khác với mọi người cho cá nàng hai ăn thức ăn tươi sống từ cá tạp, ông Tuyến lại sử dụng thức ăn công nghiệp - điều mà chưa nông dân nào từng nuôi loại cá này nghĩ đến. Và việc làm mới mẻ này đã mang lại thành công cho ông Tuyến ngay từ vụ nuôi đầu tiên. Ông cho biết, sử dụng thức ăn công nghiệp tỷ lệ thành công đạt hơn 87%, trong khi sử dụng thức ăn tươi sống từ cá tạp thì tỷ lệ hao hụt nhiều, giá thành cao, môi trường nước lại ô nhiễm. Chỉ sau 6 tháng, trọng lượng cá đã đạt 0,6-0,7kg/ con, nhiều con đạt trong lượng tới 1,2-1,3kg/con. Liên tục trong 2 năm 2008-2009, ông Tuyến cho tăng đàn, thuê thêm ao vừa nuôi cá nàng hai vừa nuôi cá lóc. Chỉ trong 2 năm này, ông đã trả được nợ ngân hàng “chuộc” lại đất và mua thêm 3ha đất ao để mở rộng diện tích nuôi.
Trang trại nằm kề sông Hậu, ông Tuyến đóng thêm 9 bè lồng loại lớn cặp bờ sông để con cá nàng hai được sống gần với môi trường thiên nhiên. Ông Tuyến cho biết: “Nuôi cá bằng thức ăn tươi sống thì tỷ lệ thành công rất thấp. Vùng này 10 người nuôi cá bằng thức ăn tươi sống thì 9 người thua lỗ, chỉ có 1 người thành công. Thế nhưng người ta vẫn say sưa nuôi vì con cá này có lợi nhuận cao”.
Đột phá với nàng hai
Với kỹ thuật của ông Phạm Quang Tuyến, giá thành đầu tư cho 1kg cá nàng hai thương phẩm hiện chỉ từ 45.000-47.000 đồng, trong khi giá bán hiện tại trên dưới 65.000 đồng/kg. Như vậy, người nuôi có mức lợi nhuận khá lý tưởng. Nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp và nuôi với qui mô lớn là 2 điểm nổi bật ở ông Tuyến, thì nuôi cá nàng hai trên lồng bè là điểm mới nổi bật thứ ba. Theo ông Tuyến, với môi trường nước tự nhiên, con cá nàng hai sẽ phát triển nhanh hơn so với nuôi trong ao hầm. “Từ trước tới giờ người nuôi vẫn có thói quen cho cá nàng hai - kể cả cá lóc - ăn mồi tươi sống. Ngày xưa tới mùa lũ, cá linh bán tính bằng giạ thì nuôi mới có lời. Bây giờ cá linh đầu mùa có lúc lên tới 200.000 đồng/kg, các loại cá tạp khác cũng trở thành “đặc sản bàn nhậu” thì không thể mua làm mồi nuôi cá được. Nếu lệ thuộc vào cá biển thì chỉ cần biển động là cá đói. Rồi người ta ướp đủ loại hóa chất trong con cá biển rất dễ gây hại cho cá nuôi. Thức ăn công nghiệp giá ổn định, thịt cá lại không tanh nên ai cũng ưa chuộng”, ông Tuyến phân tích.
Năm 2010, ông Tuyến xuất hầm tổng cộng 600 tấn cá; trong đó có 550 tấn cá lóc, 50 tấn cá nàng hai, lãi khoảng 4 tỷ đồng. Năm 2011, ông xuất 800 tấn cá lóc, 300 tấn cá nàng hai. Do cá lóc bị rớt giá, cá nàng hai phải “kéo” cá lóc nên tổng lãi khoảng 5 tỷ đồng. Năm 2012, lượng cá thu hoạch và mức lãi cũng tương đương năm 2011.