Trao đổi với báo chí vào ngày 20/2 về chuyện thu thuế Uber, Facebook, Google, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng Ban cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho hay câu chuyện Uber là một "hiện tượng mới".
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có phân ngành hoạt động đó trong các hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải vẫn còn tranh cãi xem đây là hoạt động vận tải hay là hoạt động công nghệ kết nối vận tải thì với vai trò quản lý nhà nước về thuế, chúng tôi đã bước lên phía trước”, ông nói.
“Không phải bó tay”
Uber đã nộp 30 tỷ đồng thuế ở Việt Nam. Ảnh: Hiếu Công. |
Theo vị này, doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, đã phát sinh thu nhập ở Việt Nam thì phải nộp thuế và Tổng cục Thuế đã có công văn hướng dẫn nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh của Uber.
“Cho đến nay, theo dữ liệu của chúng tôi, doanh nghiệp Uber cũng đã chấp hành, nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, nghĩa vụ thuế nhà thầu của họ có khoảng gần 10 tỷ đồng, còn lại là họ kê khai nộp hộ các lái xe tham gia mạng lưới khoảng hơn 20 tỷ đồng”, ông cho hay.
Không chỉ vậy, ông Tiến thông tin có doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ tìm từ khóa, các tích hợp của nhà cung cấp Google tại Việt Nam sau thanh tra đã chấp nhận nộp bổ sung hơn 5 tỷ đồng tiền thuế nhà thầu thay cho Google.
“Đến nay, đã có những doanh nghiệp rất tự giác kê khai nộp thuế nhà thầu cho việc kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Google, Facebook tại Việt Nam và đó là một bước khởi sắc trong việc quản lý lĩnh vực này”, ông khẳng định.
Nói về việc thu thuế với các đơn vị cung cấp dịch vụ mua bán vật phẩm bằng tiền ảo khi chơi game, ông Tiến chia sẻ ban đầu ngành thuế cũng vướng vấn đề pháp lý do “đây không phải mua bán hàng hóa đơn thuần, đây là tài sản ảo chưa có quy định trong Bộ luật Dân sự”.
Tuy nhiên, sau khi “động viên”, các đơn vị, cá nhân đó đã tự giác kê khai nộp thuế. Đối với tiền ảo, còn gọi là Bitcoin, ông Tiến cho biết có trường hợp đã mua bán trên thị trường quốc tế trong 2 năm đạt được doanh số hơn 600 tỷ đồng. Khi đó, cũng có quan điểm muốn hình sự hóa hành vi của họ hoặc thu thuế họ. Khi cơ quan thuế vào cuộc, cá nhân đó đã chủ động kê khai thu nhập cá nhân.
“Lấy ví dụ như vậy để thấy rằng ngành thuế nói chung đã quản lý được các hoạt động này rồi, đã phát sinh được số thu thuế rồi chứ không phải bó tay”, ông nhấn mạnh.
“Cảm thấy ái ngại”
Sau khi nghe chia sẻ của ông Tiến, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay ông cảm thấy “ái ngại” bởi ngành thuế mới chỉ tập trung vào một số trường hợp thí điểm như vậy để thu được thuế, nhưng về lâu dài, Tổng cục Thuế không thể đi dò từng trường hợp như là một vụ án hình sự, vụ án an ninh để thu được 5 hay 10 tỷ đồng.
“Trong nước, vẫn còn những trường hợp y như thế, nhưng họ lại không bị truy thu thuế. Như vậy là anh doanh nghiệp đã bị thu thuế lại phải chịu bất bình đẳng so với anh doanh nghiệp kia, phải chịu thiệt. Anh còn lại tự nhiên lại được hưởng đặc lợi là không phải nộp thuế, vì ngành thuế chưa đủ nguồn lực để dò tới”, ông Thành phân tích.
Theo ông Thành, nếu chúng ta đè người ta ra, bắt nộp thuế thì sẽ đưa đến hậu quả nhất định, khi những doanh nghiệp khác đi rất xa rồi, nhưng doanh nhiệp này lại luôn run sợ một ngày nào đó, cơ quan quản lý đến tóm cổ và bảo rằng là, anh phải nộp thuế như vậy.
Đồng tình với ông Thành, ông Đỗ Hoài Nam, chuyên gia về khởi nghiệp, Chủ tịch Công ty Up Coworking Space (Công ty hỗ trợ không gian khởi nghiệp) cho rằng về lâu dài cần phải có một luật pháp rất rõ ràng, nghiêm minh và khi luật pháp được đưa ra rồi thì tất cả mọi người phải thực hiện.
“Đối với luật pháp và các cơ quan quản lý, tôi nghĩ là phải đi sau sự phát triển của xã hội chứ không phải đi trước. Chúng ta không thể đi trước được những ngành kinh doanh mới mà doanh nghiệp sáng tạo ra và trong khoảng thời gian từ lúc chúng ta chưa quản lý được đến lúc chúng ta quản lý được, rõ ràng, phải thấy rằng, doanh nghiệp không vi phạm pháp luật nào cả. Và khi người ta không vi phạm pháp luật thì chúng ta không thể nói đến việc đây là yếu tố đạo đức”, ông Nam nêu quan điểm.
Tuy vậy, cả hai vị trên đều cho rằng các doanh nghiệp như Uber, Facebook, Google cần phải có trách nhiệm trả thuế cho nguồn tiền họ thu được từ một xã hội nào đó như Việt Nam.
Trong khi đó, đại diện ngành Thuế, ông Tiến nhấn mạnh: “Chúng ta phải nghe hai tai. Chúng tôi là nhà quản lý, với tư cách người làm cải cách, bao giờ cũng nhìn về cái mới. Cái mới nhiều khi là một hiệu ứng mà hôm nay chỉ là một đốm lửa nhưng ngày mai có thể là thổi bùng lên thành một đám cháy to.
Nói chung, trong cuộc cách mạng lần thứ 4, cả doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý thuế phải tìm cách thích ứng, thích ứng rồi phải cố gắng chạy nhanh hơn để bắt kịp được tốc độ của thế giới”.