Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan điểm ngược trong vụ thu thuế Uber, Coca-Cola, Big C

Các quan chức và chuyên gia về thuế đưa ra nhiều quan điểm trái chiều liên quan tới việc thu thuế của Uber, Coca-Cola, Big C.

Tổng Cục thuế vừa thông tin, ước tính số tiền thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng Big C khoảng 3.600 tỷ đồng.

Vụ Big C: Nếu căng quá, mời Intepol vào cuộc

Thế nhưng, tính đến ngày 20/6, sau gần hai tháng kể từ khi Tập đoàn Casino (Pháp) chuyển nhượng Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan), cơ quan thuế vẫn chưa nhận được hồ sơ kê khai và nộp thuế của thương vụ chuyển nhượng.

Theo quy định của Việt Nam, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn. Trước thực trạng này, Tổng Cục thuế khuyến cáo sẽ không cho Big C chuyển đổi chủ mới nếu chậm nộp thuế.

truy thu thue Big C anh 1
Đại gia Thái Lan công bố đã thâu tóm thành công Big C Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD từ cuối tháng 4. Ảnh:Casino.

Trao đổi với Zing.vn, một vị lãnh đạo thuộc Tổng cục thuế cho hay, theo luật quản lý thuế, việc cung cấp thông tin trên là hơi sớm, và có thể chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thu thuế với trường hợp này.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cao cấp, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính), cho hay trong vụ việc này trước hết cơ quan thuế phải rút kinh nghiệm, nhanh chóng đưa ra giải pháp xử lý.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói, sở dĩ phải rút kinh nghiệm vì lẽ ra trước khi cho phép họ chuyển nhượng, cơ quan thuế phải làm tất cả các thủ tục về thuế một cách đầy đủ.

Ông Thịnh cho hay, giờ phải xem điều khoản chuyển nhượng trong hợp đồng giữa các chủ sở hữu Big C, xem ai kế thừa các khoản phải thu, phải trả.

Nếu chưa có điều khoản đó trong hợp đồng, theo ông Thịnh, cơ quan thuế phải nhờ chủ thể mới của Big C giữ lại một khoản tiền trong hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên, để thanh toán thuế.

“Nếu họ trả hết tiền rồi hoặc phản hồi không làm được việc đó, thì chúng ta phải kết hợp với cơ quan thuế của nước chủ sở hữu Big C, cụ thể là Pháp”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác với cơ quan thuế các nước, trong đó có Pháp nên theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chúng ta có thể nhờ họ buộc Big C phải thực thi trách nhiệm nộp thuế.

“Chắc chắn cơ quan thuế của Pháp sẽ ủng hộ và sẽ làm, vì chuyện này không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của Big C mà còn ảnh hưởng tới uy tín của Pháp, các doanh nghiệp ở Pháp với Việt Nam”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Trong trường hợp căng thẳng quá, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo, Việt Nam có thể sử dụng biện pháp mạnh hơn, đó là khởi kiện ở các tòa án kinh tế quốc tế dựa trên hợp đồng trước đây giữa Big C và Chính phủ Việt Nam.

“Cũng có thể nhờ Cảnh sát hình sự quốc tế (Intepol) vào cuộc nếu chúng ta chứng minh được Big C vi phạm”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cho rằng, chủ sở hữu Big C “chẳng dại gì mà trốn thuế”, vì chỉ cần Việt Nam yêu cầu họ đóng cửa, không cho kinh doanh nữa thì “chuyển nhượng để làm gì?!”.

Thu thuế Uber: Không phải không có cách

truy thu thue Big C anh 2
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất thu thuế thông qua việc chuyển tiền từ các chủ thể tham gia vào dịch vụ này sang cho người sáng lập ra nó. Ảnh minh họa

Chính thức xuất hiện tại TP HCM từ tháng 7/2014, dịch vụ taxi Uber mặc dù đã mang lại lợi ích cho một số khách hàng sử dụng, nhưng những vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động của loại hình dịch vụ này như nộp thuế, điều kiện kinh doanh… tới nay dường như vẫn chưa rõ ràng.

Nói về việc thu thuế Uber, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban thường trực Ban cải cách (Tổng Cục thuế) cho hay, Uber có hợp đồng chung trên mạng, đã ký cam kết đảm bảo các điều kiện kinh doanh. Các cá nhân tham gia taxi Uber nằm trong hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có đăng ký.

Hàng tháng, hàng quý Uber sẽ chiết suất ra bảng thông báo rõ từng lái xe, mức thu nhập, sau đó thông báo cho doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải để tính thuế và thanh toán tiền.

Nhưng theo ông Tiến, hiện tại vẫn còn một số cá nhân không đứng trong tổ chức này, hoạt động kinh doanh taxi Uber không có giấy phép để trốn thuế.

Trước những thực tế nói trên, ông Tiến cho biết, cơ quan thuế mới ban hành công văn hướng dẫn chi tiết việc xác định nghĩa vụ kê khai và nộp thuế.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất thu thuế thông qua việc chuyển tiền từ các chủ thể tham gia vào dịch vụ này sang cho người sáng lập ra nó.

“Muốn làm được việc đó, cơ quan thuế phải có liên kết chặt chẽ với các ngân hàng để kiểm soát các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán quốc tế, và cũng cần hệ thống công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Ông Tiến thông tin thêm, cơ quan thuế cũng đã kiểm tra, rà soát thu nhập qua các ngân hàng, và đã có văn bản kiến nghị lên Bộ Tài chính, nhưng hiện vẫn đang phải trông chờ vào chính sách mới.

Ưu đãi quá mức với Coca-Cola

truy thu thue Big C anh 3
Coca-Cola kêu lỗ, nhưng vẫn mở rộng sản xuất. Ảnh:DĐDN

Chiều ngày 22/6, trong buổi tiếp Phó chủ tịch Coca-Cola Irial Finan, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu sử dụng đất thì nộp thuế đất, nếu kinh doanh có doanh thu, có thu nhập thì nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu đăng ký tài sản thì nộp lệ phí tước bạ, nếu sử dụng các dịch vụ công thì nộp phí.

Ngoài ra tùy từng loại mặt hàng họ kinh doanh họ phải nộp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường…

“Coca-Cola đầu tư lớn, nhưng thời gian đầu chưa có lãi nên chưa nộp thuế”, ông Thi lý giải.

Tuy nhiên, thông tin từ một lãnh đạo thuộc Tổng cục thuế, Coca-Cola 3 năm nay đã có lãi và bắt đầu nộp thuế.

“Khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam khi nộp thuế là bất đồng ngôn ngữ, dù họ có nhà tư vấn giúp hiểu hơn về luật pháp Việt Nam”, vị này đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh: “Làm gì có chuyện người ta không hiểu pháp luật Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài là những người sành sỏi, họ hiểu quá rõ chúng ta từ việc kiểm tra, giám sát không đến nơi đến chốn…. Có điều chúng ta đang có ưu tiên, ưu đãi quá mức với họ”.

Với trường hợp Coca-Cola, ông Thịnh cho rằng, muốn họ tuân thủ việc nộp thuế tại Việt Nam trước hết phải chứng minh việc họ chuyển giá. “Họ kêu lỗ, nhưng vẫn đẩy mạnh, mở rộng sản xuất. Đó là điều đáng nghi ngờ”.

Ông Thịnh phân tích thêm, Coca-Cola có 2 đặc điểm riêng khiến nhiều nước phát triển cũng khó bắt bẻ được khi truy thu thuế. Thứ nhất đó là sản phẩm độc quyền và định giá thương hiệu cao. Thứ hai, họ có hương vị riêng để tạo ra loại nước uống trên nên khó định giá.

“Nhưng nhiều quốc gia khác vẫn thu thuế của doanh nghiệp này được, do quy định doanh nghiệp có kinh doanh, có doanh thu bán hàng thì bắt buộc phải đóng thuế để được đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn thị trường, đường sá, cầu cống cho các phương tiện vận tải chạy… Tức là họ đánh thuế doanh thu chứ không phải đánh thuế lợi nhuận như ở ta”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dẫn chứng.

DN Việt thừa nhận ‘chung chi’ với cán bộ thuế

Trường hợp cán bộ thuế đề nghị hối lộ để hai bên cùng có lợi, một nửa người nộp thuế lựa chọn sẽ tận dụng cơ hội này, theo kết quả khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB).




Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm