Theo báo cáo, năm 2021, các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn nhờ các hợp đồng bancassurance độc quyền mới được ký kết năm 2020 và nhu cầu sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ở mức khá.
Bên cạnh đó, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát và không còn giãn cách xã hội, các hoạt động bán hàng (họp mặt, hội nghị khách hàng...) có thể phục hồi như lúc trước dịch sẽ thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh hơn. Kinh tế phục hồi cũng thúc đẩy bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng.
Công ty nghiên cứu kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ quay trở lại mức 6,5% vào năm 2021 khi các hoạt động kinh tế hồi phục. Do đó, bảo hiểm hàng hóa, hàng không, du lịch và bảo hiểm bảo an tín dụng sẽ có thể đạt được mức tăng trưởng trước dịch.
Các chuyên gia tại đây dự báo tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc với loại hình bảo hiểm nhân thọ vào khoảng 22% và 10-12% với bảo hiểm phi nhân thọ.
Trong khi đó, động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của nhóm công ty bảo hiểm năm nay sẽ là việc mở rộng tài sản quản lý (AUM). Các chuyên gia cho rằng mức tăng lợi nhuận sẽ không bằng với mức tăng doanh thu phí vì nhiều yếu tố thị trường.
Các hợp đồng bancassurance độc quyền giữa ngân hàng và hãng bảo hiểm cuối năm 2020 được kỳ vọng giúp doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2021 tăng hai chữ số. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, báo cáo phân tích về ngành bảo hiểm cũng đề cập đến 2 rủi ro với ngành bảo hiểm năm nay gồm môi trường lãi suất thấp kéo dài và chi phí tái bảo hiểm tăng.
Cụ thể, việc lãi suất thấp kéo dài sẽ làm cho lãi từ hoạt động đầu tư gặp khó qua đó làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, nếu lợi suất trái phiếu giảm sâu hơn, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận.
Với yếu tố chi phí tái bảo hiểm tăng, báo cáo cho biết những năm gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt thường có xu hướng thua lỗ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản. Điều này khiến các nhà tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm.
Các chuyên gia cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong trung hạn và khiến các công ty bảo hiểm không thể duy trì các hợp đồng tái cố định, đồng thời buộc phải chuyển sang các hợp đồng tái tạm thời, ảnh hưởng đến năng lực của bảo hiểm phi nhân thọ.
Đánh giá về hoạt động bảo hiểm năm 2020 vừa qua, báo cáo cho rằng doanh thu phí ghi nhận giảm trong giai đoạn giãn cách xã hội tháng 3-4/2020, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.
Đáng chú ý, thị phần bảo hiểm trong nước ghi nhận biến động mạnh trong năm vừa qua và dự báo tiếp tục trong năm 2021 với cả 2 loại hình bảo hiểm.
Trong 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất, chỉ có Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và Công ty CP PVI (PVI) ghi nhận thị phần giảm trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, 10 công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất có tới 6 công ty tăng thị phần (gồm Manulife, AIA, Generali, MB Ageas, FWD và AVIVA) và 4 công ty mất thị phần (Baoviet Life, Prudential, Dai-i-chi Life, Chubb Life, Hanwha Life).
Cuối năm 2020 vừa qua, Manulife đã mua lại AVIVA Việt Nam, điều này giúp thị phần bảo hiểm nhân thọ của Manulife tăng lên khoảng 18,5% (sau Prudential với 18,8%). Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng nếu duy trì được đà tăng trưởng doanh thu mới như hiện nay, Manulife có thể trở thành doanh nghiệp chiếm thị phần lớn thứ 2 trong 1-2 quý tới.
Trong khi đó, 2 hợp đồng bancassurance độc quyền lớn giữa ACB - SunLife Việt Nam và VietinBank - Manulife cuối năm vừa qua cũng sẽ khiến thị phần bảo hiểm nhân thọ thay đổi.
Cụ thể, thị phần của AIA được dự báo giảm do kết thúc hợp đồng phân phối sản phẩm bảo hiểm với ACB. Trước đó, ACB đóng góp gần 10% tổng doanh thu phí bảo hiểm của AIA Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Manulife và SunLife có thể mở rộng doanh thu phí bảo hiểm nhờ 2 hợp đồng bancassurance độc quyền nói trên.