Kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đang tăng trưởng nhanh và trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nhiều của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm và cả ngân hàng. Chỉ trong một tháng, hai ngân hàng có quy mô lớn hàng đầu hệ thống là ACB và Vietinbank lần lượt bắt tay Sun Life và Manulife, ký kết các hợp đồng bancassurance độc quyền dài hạn.
Theo Phó tổng giám đốc Nam A Bank Hoàng Việt Cường, bancassurance là hoạt động hiệu quả, tạo thêm nguồn thu từ dịch vụ cho ngân hàng trong khi ít rủi ro. Ông Cường cho rằng bancassurance sẽ tiếp tục là một trong những kênh mang nhiều lợi nhuận cho các ngân hàng ở phân khúc bán lẻ.
Trao đổi với Zing, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam Tina Nguyễn cũng đánh giá bancassurance sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của thị trường bảo hiểm, bên cạnh kênh đại lý truyền thống mang tính xương sống và kênh trực tuyến đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh. Đặc biệt, trong năm 2020, khi nhu cầu tín dụng bị ảnh hưởng vì Covid-19, các ngân hàng cũng đẩy mạnh hoạt động bancassurance.
Tuy nhiên, khi bancassurance phát triển nhanh cũng là lúc ngày càng có nhiều phàn nàn từ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp về việc bị nhân viên ngân hàng nài nỉ, ép mua bảo hiểm khi vay vốn, làm thủ tục giải ngân.
Đầu tháng 11, Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp ép, bắt buộc khách mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng.
Do tình trạng bị nhân viên ngân hàng nài nỉ, thúc ép, nhiều khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ hủy hợp đồng chỉ sau 1-2 năm. Bà Tina đánh giá tình trạng này xảy ra do sự phục vụ, chăm sóc khách hàng mua bảo hiểm qua kênh bancassurance chưa tốt như kênh đại lý.
Bancassurance ngày càng trở thành hoạt động quan trọng với cả ngân hàng và công ty bảo hiểm. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Thị trường đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Kênh bancassurance đang bắt đầu phát triển, có nhiều thứ còn hơi lộn xộn nhưng mọi thứ sẽ đi vào quy củ”, bà Tina chia sẻ quan điểm nhân dịp công ty của mình khai trương trụ sở mới. Bà nói thêm kênh đại lý truyền thống trước đây phát triển rất nhanh và cũng phát sinh một số vấn đề và sau đó cũng bình ổn dần, đi vào quỹ đạo.
Theo vị CEO này, khi các ngân hàng ngày càng ký kết nhiều hợp đồng dài hạn với các công ty bảo hiểm và hai bên làm việc chặt chẽ với nhau hơn, chất lượng chăm sóc khách hàng qua kênh bancassurance sẽ tăng. Điều này sẽ giúp giảm tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm của khách.
Nếu khách hàng mua bảo hiểm tại ngân hàng cũng được nhân viên theo sát, giải thích các điều khoản, điều kiện sản phẩm trong hợp đồng, hỗ trợ sâu sát như kênh đại lý, tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm sẽ cao hơn.
Đây cũng chính là một nội dung trong văn bản chấn chỉnh hoạt động bancassurance của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan quản lý ngành ngân hàng yêu cầu các nhà băng phải thực hiện chào bán, giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cũng như các hoạt động đại lý bảo hiểm khác cho khách hàng có nhu cầu mua, đảm bảo khách hàng hiểu đúng, đủ quyền và lợi ích, các điều kiện, điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm.
Để làm được điều này, bà Tina nhấn mạnh công ty bảo hiểm phải chọn ngân hàng đối tác phù hợp để cùng chia sẻ giá trị, hợp tác triển khai tốt sản phẩm bancassurance. Quy mô khách hàng, hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng không phải là tiêu chí quan trọng nhất.