Theo AFP, 10 ngày cầu nguyện và đoàn tụ gia đình cho ngày lễ Ganesh Chaturthi diễn ra khi virus corona vẫn đang phủ bóng đen lên đời sống thường ngày ở Ấn Độ. Nước này đã ghi nhận gần 3 triệu người nhiễm và 56.000 trường hợp tử vong.
Các thành phố lớn đã ra lệnh giới hạn kích thước hình vị thần Ganesha đầu voi nổi tiếng. Thường thì tượng càng lớn thì thu hút càng nhiều tín đồ đạo Hindu trên đường phố.
Rước tượng thần Ganesha luôn là điểm nhấn của lễ hội kéo dài 10 ngày. Ảnh: AFP. |
Theo truyền thống, các bức tượng thần Ganesha có thể cao từ 10 mét trở lên và cần hàng chục người khiêng, nhưng năm nay giới chức quy định chúng không được cao quá 1,1 mét để giảm bớt quy mô đám đông vây quanh.
Trong khi đó, tại New Delhi nơi có nhiều ca nhiễm nhất đất nước, không có tượng thần Ganesha nào được trình diễn trước công chúng.
Còn tại Mumbai, thành phố khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, chính quyền phong tỏa bớt các lối ra biển để hạn chế người dân đến xem việc thả tượng thần Ganesha xuống biển, một hoạt động thường thu hút các đám đông.
Theo truyền thống, hàng chục nghìn người sẽ đổ về bãi biển trong ngày cuối cùng của lễ hội để chứng kiến việc các bức tượng được thả xuống nước, điều thường là điểm nhấn của lễ hội.
Năm nay, giới chức thành phố quyết định lắp đặt hàng trăm hồ nước nhân tạo rải rác khắp nơi để người dân thả tượng thần Ganesha xuống đó thay vì đổ xô ra bờ biển tạo thành những đám đông khổng lồ như mọi năm.
Các tín đồ cũng có thể để lại bức tượng thần của họ tại địa điểm thu gom cụ thể, và tình nguyện viên sẽ đem chúng thả xuống biển.
Giới chức kêu gọi mọi người tổ chức lễ hội tại nhà, làm giảm sự hưng phấn của những người dân địa phương vốn đang mệt mỏi vì đại dịch. Tượng thần Ganesha tại nhà cũng bị giới hạn không cao quá 33 cm.
"Mọi năm tôi đều mong chờ lễ hội Ganesha và tới một hồ nước gần đó để nhìn tượng thần. Nhưng năm nay, chúng tôi thậm chí không mời bạn bè về nhà để cầu nguyện như truyền thống", ông Ruta Amin, một cư dân Mumbai, chia sẻ.
"Với âm nhạc, màu sắc và nghi thức sôi động, lễ hội Ganesha luôn gắn kết các cộng đồng lại với nhau, nhưng năm 2020 lại trở nên im ắng và buồn tẻ", người đàn ông 27 tuổi nói.
Để đánh dấu thời kỳ đặc biệt này, các tượng thần Ganesha được thiết kế cầm theo lọ nước rửa tay và sẽ xịt vào các tín đồ khi họ đến cầu nguyện.
Một số thành phố khác có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn thậm chí còn đề xuất cấm việc rước tượng thần Ganesha, nhưng đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của các nhóm tôn giáo.