Đây là lần thứ hai trong ba năm, Meena cho thuê tử cung của mình. Người phụ nữ 35 tuổi đến từ bang Gujarat, miền Tây của Ấn Độ đã bỏ học từ năm 12 tuổi và đi làm. Gần nhất, cô làm việc tại một nhà máy sản xuất các sản phẩm đá vôi - nơi cô kiếm được 50-60 rupes, ít hơn 1 USD/ngày.
Chồng Meena để cô một mình nuôi hai đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Năm 2017, Meena đăng ký làm người mang thai hộ tại Bệnh viện & Viện nghiên cứu Akanksha - một phòng khám phụ sản ở Anand, thị trấn nhỏ cách thủ phủ bang Gandhinagar khoảng 2 giờ đồng hồ chạy xe.
Nghề mang thai hộ ở Ấn Độ
Mang thai hộ với mức giá khoảng 5.300 USD đã trở thành một con đường thoát khỏi đói nghèo đối với nhiều phụ nữ ở vùng nông thôn Ấn Độ.
Những người phụ nữ trả lời với tạp chí Nikkei Asian Review ở Anand rằng số tiền "khổng lồ" đó có thể làm thay đổi cuộc đời.
Những người phụ nữ mang thai hộ tại bệnh viện Akanksha. Họ giữ kín danh tính và xuất hiện với khăn che mặt. Ảnh: Nandan Dave. |
Meena chia sẻ: "Tôi trở thành người đẻ thuê để có thể trả tiền học và đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết của các con tôi. Tôi không hối hận vì mình đang làm tất cả vì chúng".
Mặc dù đã được thực hiện một cách không chính thức từ lâu, mang thai hộ thương mại đã được hợp pháp hoá ở Ấn Độ vào năm 2002, thúc đẩy sự ra đời của một ngành công nghiệp trị giá 2 tỷ USD.
Tại bệnh viện Akanksha, khoảng 1.500 trẻ em đã được sinh ra nhờ mang thai hộ từ khi phòng khám bắt đầu cung cấp dịch vụ này vào năm 2004.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp như vậy đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa.
Chính phủ của Thủ tưởng Narendra Modi ngày càng thúc đẩy quan điểm bảo thủ về "các giá trị gia đình", đồng thời cho rằng ngành công nghiệp này đi ngược lại với các giá trị trên.
Nếu dự luật mới về việc mang thai hộ được thông qua, chỉ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được cho phép và tất cả trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại đều bị cấm tại Ấn Độ.
Những người ủng hộ đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền cho rằng điều này sẽ bảo vệ phụ nữ khỏi bị lạm dụng và bóc lột.
Tuy nhiên, nhiều người trong ngành và trong các nhóm bảo vệ quyền phụ nữ lại cho rằng dự luật mới đang tìm cách kiểm soát quyền của phụ nữ Ấn Độ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không cho phép họ lên tiếng trong những cuộc tranh luận về quyền của chính mình.
Du lịch chữa bệnh
Chính phủ BJP của ông Atal Bihari Vajayee đã hợp pháp hoá việc mang thai hộ với mục đích thương mại gần 2 thập kỷ trước như một phần trong nỗ lực mở rộng lĩnh vực du lịch y tế của Ấn Độ.
Các chính quyền kế nhiệm đã cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp này bằng cách tích cực tiếp thị các bệnh viện tư nhân của Ấn Độ như một điểm đến chất lượng cao, chi phí thấp cho khách quốc tế và nới lỏng các yêu cầu về thị thực cho khách du lịch đến điều trị.
Những bệnh viện như Akanksha cung cấp dịch vụ mang thai hộ với giá rẻ hơn rất nhiều so với các nước khác trên thế giới. Ảnh: Nandan Dave. |
Quy trình "Công nghệ hỗ trợ sinh sản", bao gồm một phôi thai được thụ thai thông qua thụ tinh trong ống nghiệm và cấy vào tử cung của người mang thai hộ, có thể tốn tới 100.000 USD ở Mỹ. Tuy nhiên, các phòng khám Ấn Độ có thể cung cấp dịch vụ tương tự với giá bằng 1/3.
Nhiều người nước ngoài đã nắm lấy cơ hội này. Một nửa trong số 25.000 trẻ em được sinh ra nhờ mang thai hộ mỗi năm là do các khách phương Tây.
Sau khi được hợp pháp hoá, hoạt động kinh doanh dịch vụ này đã tăng mạnh, kéo theo vô vàn các cuộc tranh cãi liên quan.
Archana Jyoti, một nhà báo chuyên mục sức khỏe tại New Delhi, cho biết: "Sự nổi tiếng đi kèm với những lời chỉ trích, bao gồm việc một đứa trẻ bị biến thành hàng hoá và những phụ nữ đẻ thuê bị bóc lột".
Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để điều chỉnh ngành. Năm 2015, chính phủ ngừng cấp thị thực mang thai hộ cho người nước ngoài.
Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn tiếp tục phát triển mạnh do áp lực của xã hội đối với phụ nữ trong việc sinh con và sự kỳ thị khi nhận con nuôi.
Vấn đề pháp lý
Dự luật gần đây nhất dự kiến được giới thiệu tại quốc hội khi đất nước mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa do Covid-19.
Nếu được thông qua, dự luật sẽ cấm tất cả việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, và có các tiêu chuẩn chặt chẽ đối với những người đủ điều kiện.
Theo dự luật ban đầu, chỉ những cặp vợ chồng dị tính đã kết hôn mới có thể đăng ký. Họ phải không có con, ngoại trừ những người có con tàn tật nặng. Người mang thai hộ phải đã có con riêng và từ 25 đến 35 tuổi.
Chính phủ mô tả dự luật như một cách để bảo vệ phụ nữ: "Nó sẽ ngăn chặn việc bóc lột những bà mẹ mang thai hộ và những đứa trẻ được sinh ra nhờ biện pháp này", Bộ trưởng Bộ Y tế Harsh Vardhan cho biết.
R.S Sharma, người đứng đầu bộ phận Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em của Hội đồng nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, chia sẻ với Nikkei rằng dự luật này là cần thiết, đồng thời trích dẫn các báo cáo về việc bóc lột đối với những người mang thai hộ và cho rằng cần đóng cửa các phòng khám chui.
“Mang thai hộ là lựa chọn cuối cùng của tôi,” Sunita Thanvi, 41 tuổi, người đã thử thụ tinh trong ống nghiệm 5 lần cho biết. Ảnh: Nandan Dave. |
Một số người ủng hộ quyền phụ nữ cũng hoan nghênh dự luật, bởi cho rằng ít nhất nó cũng khơi mào một cuộc thảo luận về phụ nữ có thu nhập thấp và trình độ học vấn hạn chế dễ bị bóc lột.
Manasi Mishra, trưởng nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội chia sẻ rằng những người phụ nữ này ít có khả năng thương lượng khi trở thành người đẻ thuê: "Hầu hết họ không biết chữ, nên cũng không biết thực sự hợp đồng thế nào".
Những người phản đối dự luật thì cho rằng nếu mục đích là ngăn chặn bóc lột, thì dự luật cũng nên tập trung vào việc đảm bảo sự đồng ý và các phụ nữ mang thai hộ.
Các nhà phê bình cũng cảnh báo rằng dự luật là một cách áp đặt cứng nhắc định nghĩa về gia đình theo chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo.
"Khi nói rằng chỉ đàn ông và phụ nữ đã kết hôn [mới có thể mang thai hộ nhân đạo] thì về cơ bản cha mẹ đơn thân, vợ chồng đồng tính và cặp đôi chưa kết hôn khác giới không được cho là một gia đình hợp pháp", Banerjee chia sẻ.
Hoạt động ngầm
Không có gì ngạc nhiên khi chính ngành công nghiệp này cũng phản đối lệnh cấm.
Nayana Patel, người điều hành Viện Nghiên cứu & Bệnh viện Akanksha ở Anand, đồng ý rằng quy định có thể là cần thiết, nhưng lệnh cấm phiến diện có thể khiến mang thai hộ ngầm phát triển: "Khi có cầu mà không có cung thì sẽ xuất hiện chợ đen, đẻ thuê ngầm".
Bác sĩ Nayana Patel đồng ý rằng quy định có thể là cần thiết, nhưng lệnh cấm sẽ chỉ khiến mang thai hộ ngầm phát triển. Ảnh: Nandan Dave. |
Wankhede, hiện điều hành đại lý của mình từ Kenya, Nga, California ở Mỹ và Mexico, cho rằng người Ấn Độ sẽ tìm kiếm dịch vụ mang thai hộ ở nước ngoài sau khi lệnh cấm được đưa ra. “Có một đứa con của riêng mình là ước mơ cuối cùng của bất kỳ cặp vợ chồng nào”, ông nói.
“Giải pháp không phải là cấm mọi thứ", ông nói thêm. "Giải pháp là phải có các quy định tốt và thực thi rất nghiêm ngặt".
Những người mang thai hộ đã nói chuyện với Nikkei - những người phụ nữ mà đáng ra lệnh cấm phải bảo vệ - cũng thắc mắc về dự luật.
Nhiều người nói rằng họ đã phải vật lộn về tài chính trước khi trở thành người đẻ thuê và mặc dù phải chịu sự kỳ thị do quyết định của mình, số tiền họ kiếm được từ công việc này cho phép họ làm chủ cuộc sống của mình.
Tại một quốc gia được xếp hạng là tồi tệ nhất trên thế giới về bình đẳng giới, các yếu tố kinh tế và xã hội khiến phụ nữ lựa chọn trở thành người mang thai hộ rất phức tạp.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng lệnh cấm mang thai hộ thương mại có thể đã không tính đến những khó khăn mà phụ nữ trong các cộng đồng thu nhập thấp ở Ấn Độ phải đối mặt.
Duru Arun Kumar, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Công nghệ Netaji Subhas, nhận định: “Mặc dù ngành công nghiệp này cần được quản lý, nhưng chính phụ nữ mới là người quyết định [liệu cô ấy có muốn trở thành người mang thai hộ hay không]”.
Theo Banerjee, toàn bộ cuộc tranh luận là hậu quả của sự kỳ thị và cấm đoán đối với phụ nữ trong xã hội Ấn Độ. "Tại sao xã hội của chúng ta không chấp nhận phụ nữ vì chính họ? Tại sai chúng ta phải liên kết sự kính trọng đến họ với khả năng sinh sản?".