Hàng trăm nghìn gái bán hoa ở Ấn Độ đã thất nghiệp và mất nguồn thu nhập chính kể từ khi chính phủ nước này ban bố tình trạng phong tỏa lần đầu tiên vào ngày 25/3, do số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, lên đến gần 2,5 triệu trường hợp dương tính và hơn 48.000 ca tử vong.
Những người hoạt động trong ngành dịch vụ này dù rất chật vật song vẫn cố gắng tìm cách kiếm sống qua ngày.
“Tính đến cuối tháng 6, cảnh sát Mumbai siết chặt tình hình đến nỗi hầu như không có nhà thổ nào ở phố Kamathipura hoạt động được”, Priti Patkar, giám đốc tổ chức phi chính phủ Đồng lòng chống buôn người (PAT) có trụ sở tại Mumbai, cho biết.
Đại dịch Covid-19 khiến những người hành nghề mại dâm ở Ấn Độ mất đi nguồn thu nhập chính. Ảnh: Getty. |
Từ khi đại dịch đổ bộ, chính phủ Ấn Độ đã cung cấp viện trợ dưới nhiều hình thức khác nhau cho người dân gặp khó khăn về tài chính, kể cả những người hành nghề mại dâm. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này vẫn gặp khó khăn chồng chất.
“Mặc dù được trợ cấp lương thực và hỗ trợ chi phí điện nước, những phụ nữ làm nghề bán dâm vẫn không đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà và các khoản sinh hoạt phí khác”, bà Patkar nói thêm.
Lý do là “chính phủ chỉ cung cấp gói cứu trợ cho những người có thể xuất trình tem phiếu - một loại thẻ do nhà nước Ấn Độ cấp quy định khẩu phần mặt hàng nhu yếu phẩm mà công dân nước này được phép mua. Hơn 50% người hành nghề mại dâm trên khắp Ấn Độ không có tem phiếu hoặc các loại giấy tờ hợp pháp tương tự”, Smarajit Jana, cố vấn Ủy ban Phụ nữ Đoàn kết Ấn Độ (DMSC), cho biết.
DMSC, tổ chức đại diện cho hơn 65.000 phụ nữ hoạt động trong ngành dịch vụ mua bán dâm ở Ấn Độ, đang trong quá trình hỗ trợ cung cấp các loại nhu yếu phẩm cho những người hành nghề mại dâm đang gặp khó khăn do đại dịch. DMSC hoạt động chủ yếu ở Sonagachi thuộc Kolkata, khu phố đèn đỏ lớn nhất châu Á.
Thích nghi với đại dịch
Ngay khi chính phủ Ấn Độ nới lỏng các quy định cách ly xã hội vào tháng 5, các phố đèn đỏ và hệ thống nhà thổ nước này ngay lập tức rục rịch hoạt động trở lại.
“Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra thân nhiệt và xem xét các triệu chứng trước khi cho phép khách hàng tiến vào phố đèn đỏ. Chúng tôi cũng vệ sinh phòng ốc trước và sau khi khách hàng rời đi”, Kajol Bose, người hành nghề bán dâm và là thư ký của DMSC, cho biết.
“Một số gái bán hoa cao cấp có thể kiếm tiền dựa vào các dịch vụ bán dâm qua điện thoại và Internet, nhưng không phải ai cũng có khả năng kiếm tiền từ các phương tiện đó”, Bose nói thêm.
Một góc phố đèn đỏ ở Mumbai. Ảnh: Humanosphere. |
Bà Patkar, giám đốc PAT, cho biết các dịch vụ bán dâm qua điện thoại là một lựa chọn không tồi, nhưng không phù hợp với mọi tầng lớp ở Ấn Độ, đặc biệt là trong tình hình đại dịch làm đình trệ các hoạt động kinh tế, gây thất thoát thu nhập cho nhiều người.
“Đây là loại hình dịch vụ chỉ dành cho nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và cao. Nhưng gái bán hoa với chi phí rẻ lại không có đủ kỹ năng, không gian và mạng lưới hoạt động cần thiết đủ cung cấp loại dịch vụ này”, bà Patkar nhận xét.
Nguồn thu nhập thay thế
Hiểu được tình thế khó khăn của phụ nữ hành nghề bán dâm do đại dịch gây ra, các tổ chức phi chính phủ ở Ấn Độ đã tạo điều kiện giúp những người này chọn công việc khác để kiếm sống.
Các tổ chức nói trên hỗ trợ vốn và hướng dẫn những người từng làm trong ngành dịch vụ mại dâm thành lập các doanh nghiệp nhỏ như cửa hàng bán cá khô, rau củ hoặc quầy trà.
Nhiều thành viên của DMSC được tuyển dụng vào các nhà máy sản xuất khẩu trang và chất diệt khuẩn - những mặt hàng đang có nhu cầu lớn trên thị trường.
Sự giúp đỡ để thay đổi công việc mùa dịch có ý nghĩa rất lớn đối với những người hành nghề mại dâm, bởi họ là đối tượng nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19.
Phần lớn gái mại dâm Ấn Độ là nạn nhân của các vụ buôn người. Ảnh: Reuters. |
Không chỉ gặp khó khăn về tài chính, gái bán hoa ở Ấn Độ còn bị các nhà thổ ép phải tiếp khách bất chấp nguy cơ lây nhiễm virus hay đối mặt với sự phân biệt đối xử và kỳ thị từ xã hội.
Phần lớn những người hành nghề mại dâm ở Ấn Độ không tự nguyện chọn con đường kiếm sống này, mà là nạn nhân của các vụ buôn bán người. Theo Cục Hồ sơ tội phạm Ấn Độ, các thành phố lớn như Mumbai hay Kolkata chiếm phần lớn số vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em, và những người này gần như không có cách nào thoát khỏi hoạt động mại dâm và quay trở lại quê nhà.
Mira, gái bán hoa ở quận Kamathipura thuộc Mumbai chia sẻ: “Tôi không có quyền lựa chọn để về quê. Tôi phải tìm công việc khác để kiếm sống ở đây. Giao cho tôi bất kỳ việc gì có thể làm ra tiền, tôi sẽ học và làm công việc đó bất kể ra sao”.