Trong báo cáo về chỉ số phát triển con người (HDI), Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số thu nhập của các địa phương được tính theo tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố (GRDP) quy đổi bình quân đầu người. Kết quả cho thấy chỉ số này của tất cả các địa phương tăng kể từ năm 2016 đến 2020.
Cụ thể, GRDP quy đổi bình quân đầu người năm 2020 của một số địa phương đã tăng gấp trên 1,5 lần năm 2016, gồm Hải Phòng, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lào Cai... Trong khi đó, xu hướng tăng GRDP quy đổi bình quân đầu người của một số địa phương có dấu hiện chững lại.
Giai đoạn 2016-2020, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ tăng 8,51% với tốc độ tăng bình quân mỗi năm 2,06%. Trong khi đó, Đà Nẵng tăng 17,23% với mức tăng bình quân mỗi năm là 4,05%; Bình Dương tăng 22,06%, bình quân mỗi năm tăng 5,12%.
Ngoài ra, khoảng cách giữa các địa phương đạt mức cao với các địa phương có chỉ số thu nhập thấp chênh lệch khá lớn. Chỉ số thu nhập của Bà Rịa - Vũng Tàu gấp 1,45 lần Lai Châu vào năm 2020.
Với 34.480 USD, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng dẫn đầu cả nước về chỉ số thu nhập GNI bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương. Tiếp theo danh sách này lần lượt là Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP.HCM.
Trong khi đó, 5 địa phương có chỉ số thu nhập thấp nhất cả nước là Bắc Kạn, Yên Bái, Cao Bằng, Điện Biên và Hà Giang với mức dao động 3.940-5.500 USD.
GRDP quy đổi bình quân đầu người của nhóm 5 địa phương cao nhất và nhóm 5 địa phương có mức thấp nhất năm 2020 | |||||||||||
Nguồn: Tổng cục Thống kê | |||||||||||
Nhãn | Bà Rịa - Vũng Tàu | Quảng Ninh | Bình Dương | Bắc Ninh | TP.HCM | Bắc Kạn | Yên Bái | Cao Bằng | Điện Biên | Hà Giang | |
nghìn USD | 34.58 | 21.5 | 20.01 | 19.46 | 18.92 | 5.5 | 5.46 | 4.77 | 4.4 | 3.94 |
Dù vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng do GRDP quy đổi bình quân đầu người của các địa phương được tính trên cơ sở chuyển đổi GRDP với cùng hệ số, không loại trừ được sự khác biệt về thu nhập ròng của lao động thường trú và thu nhập sở hữu từ bên ngoài giữa các địa phương.
Vì vậy, những tỉnh, thành phố có đầu tư lớn từ các nơi khác trong nước hoặc từ nước ngoài thường có chỉ số thu nhập cao hơn các địa phương khác. Từ đó, tính so sánh giữa các địa phương bị hạn chế.
Dựa trên các số liệu thu nhận được, cơ quan chuyên môn đánh giá mặc dù đã được kiềm chế, lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao; cần có giải pháp vĩ mô ổn định giá trị đồng nội tệ.
Theo đó, cần nâng cao sức mua tương đương trong so sánh quốc tế nói chung và quy đổi GNI bình quân đầu người tính chỉ số thu nhập cấu thành HDI nói riêng. Đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao thu nhập thực tế của dân cư.
Tổng cục Thống kê cũng kiến nghị sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong việc thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin đầu vào biên soạn HDI và HDR (báo cáo phát triển con người). Trong đó có việc thu thập thông tin về thu nhập bình quân đầu người GNI ở 63 tỉnh, thành phố, sớm khắc phục giải pháp tình thế tính chỉ số thu nhập của các địa phương dựa trên GDRP quy đổi.