Thu nhập 100 triệu đồng/tháng từ củi trấu và heo rừng Thái
Tốt nghiệp cử nhân ngành địa lý đại học khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, Nguyễn Văn Nghị lại làm giàu từ heo rừng Thái và củi trấu.
Khi chúng tôi hỏi về chàng trai Nguyễn Văn Nghị, hầu như bà con ở xã Hòa Thành có cùng một nhận xét: “Nghị là một người có gan làm giàu”. Theo chỉ dẫn từ bà con, chúng tôi đã tìm đến ngôi nhà khang trang ở thôn Lộc Đông. Nghị tiếp chúng tôi bằng nụ cười và ấm trà nóng ở trang trại nuôi heo rừng. Qua lời kể mới biết Nghị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ đã phải cùng mẹ ra đồng ruộng mò cua bắt ốc và cắt lúa.
Nghị cho biết: “Nhận thấy trong thôn có rất nhiều gia đình khó khăn, cuộc sống của người dân chỉ bám vào ruộng, nên ngay từ nhỏ tôi đã ước mơ lớn lên sẽ làm giàu tại chính nơi 'chôn nhau cắt rốn' này. Vì gia đình không có điều kiện, nên một buổi đi học, một buổi tôi đi làm để quyết tâm vượt qua sự túng khó”.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành địa lý, Nghị không nộp đơn xin việc mà đi nhiều nơi học cách làm kinh tế. Trong một lần đến các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhìn thấy vỏ trấu người dân vứt bỏ rất nhiều, Nghị đã nảy ra ý tưởng tái chế trấu thành củi đốt. Mang suy nghĩ này về quê, ấm ủ ròng rã hơn 6 tháng, anh đã mày mò tự thiết kế ra máy sản xuất trấu thành củi.
Nghị cho biết: “Chưa từng học qua lớp dạy kỹ thuật nên đối với tôi máy móc rất lạ lẫm. Trong thời gian tìm hiểu thiết kế gặp khá nhiều khó khăn, tôi phải chạy khắp nơi để nhờ nhiều người hướng dẫn góp ý. Sản phẩm ra lò thử nghiệm đầu tiên 'trấu vẫn hoàn trấu'. Sau nhiều lần chỉnh sửa, những viên củi đốt bằng trấu đầu tiên ra đời, lúc ấy tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc”.
Nguyễn Văn Nghị và sản phẩm củi trấu của mình. |
Gặt hái thành công góp phần phát triển quê hương
Phú Yên có diện tích sản xuất lúa 54.000ha, nên trấu là thứ chất thải mà các nhà máy xay xát đau đầu tìm cách giải quyết. Cơ sở xay xát đành phải thải ra môi trường, kênh rạch. Cơ sở sản xuất củi trấu của Nguyễn Văn Nghị ra đời đã góp phần giải quyết “bài toán” khó khăn này. Trước giờ bà con chỉ quen dùng củi than và khí đốt, chưa ai quen sử dụng sản phẩm củi trấu.
“Tôi và các bạn phải đi chào hàng. Giá củi trấu chỉ 2.000 đồng/kg, trong khi giá than đá 4.000 đồng/kg cho nhiệt lượng tương đương. Như vậy nếu dùng củi trấu người sử dụng đã tiết kiệm hơn 50%. Bà con mua về sử dụng thử, thấy hiệu quả kinh tế cao, họ dần chuyển sang sử dụng loại than củi trấu” - Nghị dẫn chứng. Anh còn cho biết nhiều nhà máy trước đây sử dụng các chất đốt gây ô nhiễm môi trường, nay cũng chuyển dần sang sử dụng củi trấu bởi lượng khói thải ra ít hơn các loại chất đốt khác.
Từ một cơ sở sản xuất 5 tấn/ngày, đến nay Nghị đã mở rộng sản xuất thêm hai cơ sở nâng lên 20 tấn/ngày. Không dừng lại ở đó, Nghị còn tìm hiểu mô hình nuôi heo rừng, hiện tại trang trại của anh có hơn 40 heo rừng nhập từ Thái Lan.
Sau gần năm năm tạo dựng kinh tế tại chính quê hương mình, cơ sở sản xuất củi trấu của Nguyễn Văn Nghị đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hơn 40 lao động địa phương, mức lương bình quân từ 3,6 triệu đồng đến 5 triệu đồng/người/tháng. Riêng anh, hàng tháng tổng thu nhập từ việc nuôi heo rừng và sản xuất củi trấu gần 100 triệu đồng.
Với những kết quả đạt được trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, Nguyễn Văn Nghị đã đạt giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam lần thứ 11 do quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) tổ chức, giải thưởng sản phẩm thân thiện với môi trường, giải nhất phát minh sáng tạo của Sở khoa học công nghệ tỉnh Phú Yên trao tặng.
Theo Tuổi trẻ