Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thu ngân sách nửa năm sụt giảm

Theo Bộ Tài chính, số thu NSNN 6 tháng đầu năm nay đã giảm so với cùng kỳ. Trong đó, tiến độ một số khoản thu, sắc thuế và thu NSNN trên địa bàn một số địa phương đạt mức thấp.

Sáng 13/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm theo hình thức trực tuyến.

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN thời gian qua được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế vừa khắc phục những vấn đề hậu Covid-19, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh từ môi trường quốc tế cũng như nội tại.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thu, chi NSNN ngay từ đầu năm. Rà soát các nguồn thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Theo đó, trong nửa năm qua, Bộ đã tham mưu, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với quy mô dự kiến khoảng 200.000 tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm khoảng 79.000 tỷ đồng và gia hạn 121.000 tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình điều hành như bố trí kinh phí mua vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công...

Với các hành động này, Bộ Tài chính cho biết kết quả thu NSNN 6 tháng đầu năm nay đã đạt 875.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán; đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 70.300 tỷ đồng (miễn giảm 28.300 tỷ đồng và gia hạn 42.000 tỷ đồng).

SỐ THU NSNN NỬA NĂM NAY ĐÃ GIẢM SO VỚI CÙNG KỲ 2022
Số thu NSNN trong 6 tháng đầu hàng năm giai đoạn 2018-2023. Nguồn: BTC; Tổng hợp.
Nhãn201820192020202120222023
Ước thực hiện thu NSNN Tỷ đồng 651720745485668675775025941344875800

Đáng chú ý, mức thu NSNN nửa năm kể trên đã giảm 7% so với mức ước thu cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022, ước tính thực hiện thu NSNN vào khoảng 941.344 tỷ đồng. Đây cũng là năm suy giảm đầu tiên của hoạt động thu NSNN sau 2 năm tăng trưởng dương liên tiếp trước đó.

Ở chiều ngược lại, số chi NSNN giai đoạn này ước đạt 804.600 tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển tăng so với cùng kỳ năm 2022 cả về số vốn (65.200 tỷ đồng) và tỷ lệ giải ngân (đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng giao, cùng kỳ đạt 27,75%).

Với tình hình thu chi kể trên, Bộ Tài chính cho biết cân đối ngân sách Trung ương và địa phương đều được đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã phát hành 179.900 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,23 năm, lãi suất bình quân 3,7%/năm, góp phần đảm bảo cân đối NSNN cho trả nợ gốc và định hướng lãi suất thị trường.

Đánh giá về việc số thu NSNN 6 tháng giảm so với cùng kỳ, Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân đến từ tiến độ một số khoản thu, sắc thuế (tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu) và thu NSNN trên địa bàn một số địa phương đạt thấp.

Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua tiếp tục phát sinh nhiều yếu tố không thuận lợi. Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất chưa được tính trong dự toán, làm giảm nguồn thu NSNN và ảnh hưởng đến cân đối NSNN năm nay.

Liên quan công tác quản lý giá cả, thị trường, Bộ Tài chính cho biết đã trình Quốc hội ban hành Luật giá (sửa đổi), đồng thời phối hợp với các bộ, ngành điều hành giá bán lẻ xăng dầu, giá bán lẻ điện...

Nhờ đó, công tác quản lý, điều hành giá trong nửa năm qua đã bám sát kịch bản điều hành, tạo dư địa điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm. Giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, bình quân 6 tháng CPI tăng 3,29% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ cho biết hiện có 451 mã niêm yết; quy mô giao dịch bình quân 6 tháng đạt 5.871 tỷ đồng/phiên, giảm 23,6% so với bình quân năm 2022.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023, tạo cơ sở pháp lý cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu.

Bộ Tài chính: Sắp thanh tra thêm 10 doanh nghiệp bảo hiểm

Từ nay đến hết năm, Bộ Tài chính sẽ thanh, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó thanh, kiểm tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. 

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm