Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Tài chính: Sắp thanh tra thêm 10 doanh nghiệp bảo hiểm

Từ nay đến hết năm, Bộ Tài chính sẽ thanh, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó thanh, kiểm tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. 

Bộ Tài chính sẽ thanh, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó thanh, kiểm tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Ảnh: Phúc Hậu.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/7, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết trong Nghị quyết kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV vừa ban hành đã đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ.

"Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Quốc hội, trong đó tập trung sản phẩm liên kết đầu tư", ông nhấn mạnh.

Theo ông Chi, việc thanh, kiểm tra giám sát thị trường bảo hiểm là chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính. Trong thời gian qua, khi thị trường bảo hiểm xuất hiện nhiều vấn đề, Bộ đã triển khai công tác thanh tra. Vừa qua đã công bố kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

"Kết quả cụ thể đã được công bố công khai. Chúng tôi đang triển khai theo quy trình của thanh tra, sau một thời gian ngắn sẽ xử lý nghiêm vi phạm của các công ty bảo hiểm này", ông Chi nhấn mạnh.

Thứ trưởng cho biết từ đầu năm, Bộ đã có kế hoạch thanh, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm. Từ nay đến hết năm, Bộ Tài chính sẽ thanh, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó thanh, kiểm tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

"Bộ sẽ tập trung vào việc thanh kiểm, tra sự liên kết hoạt động, kinh doanh giữa doanh nghiệp và ngân hàng, đồng thời hướng nội dung thanh tra theo Nghị quyết của Quốc hội. Bộ sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo, kiểm tra giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bảo hiểm", ông Chi nói.

Trước đó, chiều 30/6, Bộ Tài chính đã công bố thông tin kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp gồm Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Theo đó, kết quả cho thấy hoạt động này còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới với khách hàng.

Cụ thể, một số hành vi vi phạm điển hình được Bộ Tài chính chỉ ra như không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp. Nhân viên đồng thời không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm.

Bên cạnh đó, có tình trạng nhân viên cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin cũng như không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Cũng theo kết quả thanh tra, các doanh nghiệp bảo hiểm thu lớn từ kênh bán qua ngân hàng nhưng tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên đều ghi nhận trên 32%.

Điển hình như Sun Life có tỷ lệ huỷ bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng phát hành qua TPBank và ACB lần lượt là 73% và 39%. Còn Prudential có tỷ lệ hủy, mất hiệu lực là 41%. Đối với BIDV Metlife, đơn vị này phát hành tổng cộng 21.123 hợp đồng qua kênh ngân hàng. Tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất đạt 39,4%. Hay MB Ageas có tỷ lệ hủy hợp đồng năm đầu tới 32,4%.

Ngoài ra, trong quá trình thanh tra chọn mẫu ngẫu nhiên đối với đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết cả 4 doanh nghiệp đều có số lượng trường hợp sai phạm lớn.

Ví dụ như Sun Life phát hiện 44 trường hợp chưa thực hiện đúng quy định khi bán bảo hiểm. Trong đó một số trường hợp (cả đại lý lẫn nhân viên ngân hàng) để người khác ký thay bên mua bảo hiểm tại các hồ sơ, biên nhận.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Một hãng bảo hiểm bị thanh tra có tỷ lệ huỷ hợp đồng sau năm đầu 73%

Các doanh nghiệp bảo hiểm thu lớn từ kênh bán qua ngân hàng nhưng tỷ lệ huỷ hợp đồng sau năm đầu tiên đều ghi nhận trên 32%.

Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ

Quốc hội yêu cầu Chính phủ thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Bộ Tài chính: Công bố kết luận thanh tra 4 công ty BHNT trong tháng 6

Bộ Tài chính cho biết hiện đã có kết luận thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, cơ quan quản lý đang chờ hoàn tất các thủ tục để công khai kết luận trong tháng này.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm