Theo SCMP, sòng bạc trứ danh Marina Bay Sands, Singapore đang vướng phải cuộc điều tra của chính quyền Mỹ do nghi vấn rửa tiền.
Tính đến cuối năm 2019, sòng bạc đắt giá bậc nhất châu Á thuộc sở hữu của tỷ phú Mỹ Sheldon Adelson gây kinh ngạc khi báo mức tỷ suất lợi nhuận 3 năm liên tiếp đạt tới 53 – 56%. Với thành tích này, Marina Bay Sands trở thành khu phức hợp nghỉ dưỡng có mức sinh lời cao nhất thế giới.
Kể từ khi mở cửa vào năm 2010, sòng bạc xa xỉ Marina Bay Sands đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch đắt giá của Singapore. Ảnh: Handout |
Bộ tư pháp Mỹ tuyên bố mở cuộc điều tra dấu hiệu rửa tiền ở sòng bạc này, nhắm vào các tài khoản người chơi khổng lồ mở tại đây. Tuy nhiên, đại diện sòng bạc phủ nhận mọi hành vi vi phạm pháp luật.
Từ hồi tháng 1, chính quyền Mỹ đã tiến hành thẩm vấn cựu giám đốc của Marina Bay Sands để điều tra dấu hiệu “dung túng hành vi rửa tiền” hay bất kỳ hành vi lạm dụng nào của tỷ phú Cameron. Nhà điều tra tập trung vào những người chơi lớn và các đơn vị tài trợ tín dụng đứng sau. Bên cạnh đó, người tiết lộ các hành vi sai phạm của sòng bạc (người thổi còi) sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt.
Marina Bay Sands là một trong những sòng bạc có lợi nhuận cao nhất thế giới. Với tỷ suất lợi nhuận dao động từ 53% đến 56% trong 3 năm liên tiếp tính đến 2019, Marina Bay Sands đóng góp hơn 20% tổng doanh thu và hơn 1/3 giá trị thu nhập hoạt động của tập đoàn Las Vegas Sand.
Cùng với các sòng bài ở Macau, hoạt động kinh doanh ở khu vực châu Á mang về 85% doanh thu cho đế chế cờ bạc 13,7 tỷ USD vào năm ngoái. Ông chủ Adelson hiện đứng thứ 28 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes.
Trong thông báo bằng văn bản, sòng bạc đắt giá của Singapore khẳng định mọi dấu hiệu về hoạt động đáng ngờ sẽ được xem xét và sẽ điều tra các hành vi vi phạm nếu có. Nguồn tin thân cận cho hay Marina Bay Sands và công ty mẹ vẫn chưa tiếp nhận yêu cầu điều tra của Bộ tư pháp Mỹ.
Đây không phải lần đầu tiên tập đoàn này vướng phải cáo buộc điều tra của chính quyền. Hồi năm 2013, Las Vegas Sands từng chi tới 47,4 triệu USD để xoa dịu cuộc điều tra liên bang Mỹ, liên quan tới các tài khoản đáng ngờ của một tay chơi bạc khủng. Năm 2017, hãng tiếp tục phải bỏ ra 6,96 triệu USD trong cuộc điều tra hành vi hối lộ các quan chức Trung Quốc và Ma Cau.
Bên cạnh đó, Marina Bay Sands cũng phải đối mặt với một cuộc điều tra của Cơ quan quản lý sòng bạc Singapore về chính sách chuyển tiền của hãng. Một người chơi có tên Wang Xi đã kiện Marina Bay Sands khi tự ý chuyển 6,5 triệu USD sang tài khoản của bên bảo trợ thứ 3.
Sau vụ việc, Marina Bay Sands buộc phải xem lại quá trình chuyển tiền của mình. Quy trình này khá phổ biến khi người chơi chia sẻ tiền thắng, thua tại các sòng bạc nước ngoài, tuy nhiên cần đi kèm với ủy quyền hợp pháp.
Tại Macau, các con bạc Trung Quốc phải cầm cố tài sản để được vay vốn khi chơi bạc, do đó việc kiểm soát tín dụng sẽ chặt chẽ hơn. Trong khi đó, các nhân viên của Marina Bay có thể dễ dàng điền khống trên các phiếu thanh toán ủy quyền mà chưa có chữ ký của người chơi, thậm chí trên các bản sao chụp, theo khảo sát nội bộ tại sòng bạc. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu cho thấy các tài liệu gốc đã bị tiêu hủy.
Nhà điều tra cho hay “trong khi các cuộc điều tra được thực hiện, hoạt động của các sòng bạc ở Singapore, bao gồm cả Marina Bay Sands, sẽ không bị ảnh hưởng”.
Marina Bay Sands là một trong 2 sòng bạc được cấp phép kinh doanh ở Singapore. Chính quyền Singapore năm ngoái vừa gia hạn giấy phép hoạt động cho Genting Singapore và Las Vegas Sands đến năm 2030. Đổi lại các hãng sẽ thực hiện cam kết đầu tư 9 tỷ SGD vào các dự án phát triển du lịch đảo quốc.
Sòng bạc Marina Bay Sands nằm trong khu phức hợp đắt giá, bao gồm 3 tòa nhà 55 tầng đa tiện ích. Ảnh: Shutterstock. |
Cũng như các sòng bạc khác trên thế giới, Marina Bay Sands buộc phải đóng cửa do dịch bệnh bùng phát. Doanh thu các trò chơi ở các sòng bạc Macau lao dốc tới 93% so với cùng kỳ năm trước. Các hãng khai thác đều đang nóng lòng chờ đợi việc nới lỏng kiểm soát biên giới và mở cửa đón du khách để hồi phục trở lại.