Thu lời gấp đôi từ bán cá tầm nhập lậu
Giá cá tầm tại khu vực biên giới chỉ 70.000 đồng/kg nhưng khi được chuyển vào nội địa, giá tăng tới 150.000 đồng.
Theo báo cáo của Cục cảnh sát môi trường, thời gian trước 4/2013, trung bình mỗi ngày các đối tượng vận chuyển khoảng 5-7 tấn cá tầm về Hà Nội để tiêu thụ, chủ yếu là nhập lậu. Số lượng cá tầm được nhập lậu về trong những tháng gần đây là khoảng 2 tấn, tập trung chủ yếu ở chợ đầu mối Yên Sở, Thanh Trì... nhưng đa số được hợp thức hóa bằng giầy tờ từ các trang trại nuôi trong nước, chỉ có một lượng nhỏ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc được đưa vào từ Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Giá cá tầm nhập lậu tại khu vực biên giới khoảng 70.000 đồng/kg, sau khi vận chuyển về Hà Nội được các đối tượng bán với giá từ 130.000 đồng đến 150.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cá tầm sản xuất trong nước lại khá cao, trung bình từ 200.000 đồng/kg, với số lượng rất ít.
Dẫn chứng kết quả khảo sát, báo cáo cho biết cá tầm chủ yếu được nuôi ở các tỉnh miền Bắc giáp ranh vùng biên giới với Trung Quốc, do đó, các đối tượng dễ dàng hợp thức hóa cá nhập lậu thành cá trang trại, gây khó khăn cho công tác ngăn chặn. "Có những trang trại nuôi cá tầm diện tích không lớn, cá phải nuôi trong thời gian dài (ít nhất 1 năm) mới được xuất bán, nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, cơ quan chức năng đã cấp phép xuất bán tới 40 lần, với khối lượng khoảng 70 tấn", báo cáo nêu rõ.
Trước đó, thông tin về cá tầm nhập lậu qua đường hàng không và nhiễm chất cấm tại thị trường Hà Nội đã khiến dư luận xôn xao. Theo một lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 27 loài cá tầm thì ở Việt Nam mới có giấy phép cho nuôi 1 loài là cá tầm Trung Hoa. Đây là loài cá không có giá trị kinh tế, nên không có doanh nghiệp nào nuôi. Tuy nhiên, nếu nuôi các loài cá tầm khác, doanh nghiệp lại phải xin phép, dẫn đến hậu quả là hầu hết giống cá tầm đang được nuôi nội địa là “chui”.
Trần Anh
Theo Infonet