Ngày 1/4, Thượng nghị sĩ McConnell khẳng định "sẽ chống lại từng bước đi” của chính quyền Biden và phe Dân chủ trước kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, theo Guardian.
“Quan điểm của tôi là chúng ta chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng trong phạm vi có thể chi trả được, và không đánh gục nền kinh tế bằng các đợt tăng thuế lớn hoặc khiến nợ quốc gia tăng thêm”, ông McConnell nói tại cuộc họp báo ở bang Kentucky.
Vị thượng nghị sĩ cũng khẳng định kế hoạch này sẽ không được sự ủng hộ của bất kỳ nghị sĩ Cộng hòa nào, do ý định tăng thuế để lấy kinh phí triển khai.
Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp nội các ngày 1/4, nhằm thúc đẩy kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD. Ảnh: AP. |
Hầu kết các dự luật quy mô lớn đều cần ít nhất 60 phiếu bầu để được thông qua. Tuy nhiên, ông McConnell thừa nhận vì đảng Cộng hòa đang không chiếm đa số tại Thượng viện nên họ không có nhiều lựa chọn ngoài việc “phòng thủ”.
Các thượng nghị sĩ Dân chủ đang thảo luận đối sách giúp thông qua kế hoạch hạ tầng của ông Biden chỉ với số phiếu của phe mình, bằng "hòa giải ngân sách". Đây là quá trình giúp một số dự luật nhất định được thông qua chỉ với đa số phiếu, nhưng đòi hỏi đi kèm một số hạn chế nghiêm ngặt, theo Politico.
Trước đó, lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer đã giúp ông Biden thúc đẩy thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà không cần bất kỳ phiếu nào từ các nghị sĩ Cộng hòa.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Joe Biden ngày 1/4 mở cuộc họp nội các đầu tiên tại Nhà Trắng, chủ yếu nhằm thúc đẩy kế hoạch đại tu cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD.
Trước đó, ngày 31/3, ông Biden công bố kế hoạch trên tại Pittsburgh, bang Pennsylvania.
Ông hứa hẹn kế hoạch sẽ có quy mô khổng lồ tương tự New Deal (năm 1933, dưới thời cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt sau Đại Suy thoái) hay các chương trình kích thích kinh tế khác đã định hình nước Mỹ trong thế kỷ 20.
“Đây là gói đầu tư lớn nhất để tạo việc làm cho nước Mỹ kể từ sau Thế chiến 2, sẽ tạo ra hàng triệu việc làm lương cao”, ông Biden nói.