Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ lĩnh diệt chủng ở Bosnia bị xử 40 năm tù

Một tòa án quốc tế ngày 24/3 tuyên 40 năm tù đối với Radovan Karadzic, thủ lĩnh người Serbia ở Bosnia, do tội diệt chủng khiến hàng nghìn người chết trong giai đoạn 1992-1995.

Radovan Karadzic lắng nghe phán quyết của tòa án ngày 24/3. Ảnh: AFP

Theo AP, Tòa án hình sự quốc tế về Nam Tư cũ (ICTY, tại The Hague, Hà Lan) phán quyết Karadzic với 11 tội danh bao gồm diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Những hành động bị kết án của Karadzic đều xảy ra trong giai đoạn 3 năm nội chiến ở Bosnia (1992-1995) khiến hơn 100.000 người thiệt mạng. Đây là vụ thảm sát đẫm máu nhất ở châu Âu sau Thế chiến 2.

Cụ thể, theo cáo trạng, Karadzic chịu trách nhiệm chính trong vụ thảm sát gần 8.000 người đàn ông và bé trai Hồi giáo ở Srebrenica (tại Bosnia-Herzegovina) trong tháng 7/1995. Ông cũng là người ra lệnh nã pháo vào Sarajevo (thủ đô của Bosnia), sát hại nhiều thường dân trong 44 tháng vây hãm thành phố này.

Đến nay, Karadzic là lãnh đạo người Serbia tại Bosnia cao cấp nhất bị khởi tố tại một tòa án quốc tế. Ông luôn khăng khăng bản thân vô tội, biện hộ rằng mọi hành động của ông trong thời chiến đều nhằm bảo vệ người Serbia. 

Sau khi ICTY ra phán quyết, luật sư của Karadzic cho biết ông sẽ kháng cáo.

Karadzic, năm nay 71 tuổi, đã cùng sáng lập Đảng Dân chủ Serbia (SDS) tại Bosnia-Herzegovina vào năm 1989 nhằm duy trì Nam Tư trước nguy cơ tan rã. Hai năm sau, khi Bosnia-Herzegovina trở thành nhà nước độc lập, Karadzic cũng tuyên bố thành lập Cộng hòa Serbia ở Bosnia và đảm nhận chức tổng thống. Karadzic cũng là đồng minh thân cận của Slobodan Milosevic khi đó là tổng thống Nam Tư.

Năm 1996, Karadzic từ bỏ vị trí lãnh đạo khi phương Tây dọa cấm vận Cộng hòa Serbia tại Bosnia, rồi lẩn trốn. Tháng 7/2008, ông bị bắt tại ngoại ô Belgrade sau gần 13 năm lẩn trốn.

Từ năm 1995, Karadzic đã bị ICTY buộc tội diệt chủng, tội phạm chiến tranh. Tuy nhiên, nhiều người Serbia đến nay vẫn xem Karadzic là anh hùng. Họ cho rằng ông hành động vì bảo vệ sự toàn vẹn của Nam Tư cũ. 

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm