Cuộc đoàn tụ bất ngờ và đầy nước mắt giữa cô Ly Sivhong với mẹ và em gái ruột sau khi ly tán hàng thập kỷ. Ảnh: Guardian |
Trong số 9 đài truyền hình tại Campuchia, Bayon TV là kênh có tầm ảnh hưởng lớn thứ hai do họ chú trọng phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Hun Mana, con gái của Thủ tướng Hun Sen, đầu tư và điều hành Bayon TV.
Hồi tháng 4, các tờ báo, hãng thông tấn lớn ở phương Tây như CNN, AP, Guardian, Los Angeles Times dành sự chú ý đặc biệt đối với một chương trình đoàn tụ người thân ở Campuchia do Bayon TV sản xuất. Chương trình mang tên Không phải là giấc mơ (KPLGM).
"Phần lớn trường hợp nhờ chúng tôi tìm người thân đều đã cố gắng rất nhiều nhưng không đạt kết quả. Dẫu hy vọng mong manh, họ chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa ngừng mong mỏi gặp lại người ruột thịt", cô Prak Sokhayouk, chủ nhiệm chương trình Không phải là giấc mơ, nói với Zing.vn.
Những cuộc chia ly
Trong trường quay của Bayton TV, cô Ly Sivhong khóc khi kể lại bi kịch của gia đình. Cách đây 40 năm, lính của Khmer Đỏ tiến về Phnom Penh và bắt đầu áp dụng chính sách tàn bạo. Chúng buộc toàn bộ người dân thủ đô về nông thôn làm ruộng. Khoảng hai triệu người đã bỏ mạng trên đường, trong các trại lao động tập trung, hoặc chết bởi đòn tra tấn và hành quyết của bọn lính.
Gia đình Ly là một trong số những hộ dân buộc phải rời Phnom Penh. Khi ấy, Ly mới 13 tuổi. Mọi người đều tin vào lời của lính Khmer Đỏ, rằng họ chỉ rời thành phố vài ngày rồi sẽ trở lại. Do vậy, Ly không nói lời từ biệt với mẹ và hai chị. Cô ở lại thủ đô cùng bố và 4 anh, em khác.
Gia đình của cô Ly trước khi ly tán dưới chế độ Khmer Đỏ. Ảnh: SBS |
Ba anh của Ly lần lượt qua đời do đói và bệnh tật. Năm 1979, lính Khmer Đỏ giết bố ngay trước mặt Ly. Do vậy, cô quyết tâm trốn. Tuy nhiên, Ly thất lạc Bo, em gái nhỏ tuổi nhất.
Ly là một trong số ít những người may mắn chạy thoát chế độ Khmer Đỏ và sống an toàn tại Mỹ. Suốt 30 năm ở bang Texas, Ly luôn đau đáu về cuộc sống của Bo.
"Tôi nghĩ em ấy có thể là người duy nhất trong nhà còn sống", Ly nói trước máy quay của chương trình KPLGM.
Linh cảm của cô Ly đã đúng. Những đội viên tìm người của KPLGM phát hiện Bo đang sống ở tỉnh Kampong Chnnang, một vùng quê nghèo của Campuchia. Cuộc sống của Bo không khá giả trong ngôi nhà gạch thô sơ.
Bo không còn nhiều ký ức về tuổi thơ. Cô dường như muốn quên hết những chuyện kinh hoàng đã xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên, người đàn ông nhận nuôi Bo cách đây 40 năm vẫn nhớ mọi chuyện. Ngày ấy, bố của Ly và Bo gửi hai con vào hai gia đình khác nhau. Ông biết rằng các con sẽ chết đói, như những người anh của họ, nếu tiếp tục ở lại bên ông.
Chính bố nuôi của Bo liên hệ với chương trình KPLGM sau khi ông nghe tâm sự của Ly trên sóng phát thanh.
Sau khi Ly kể xong câu nguyện, người dẫn chương trình dắt một phụ nữ ra ngoài sân khấu và nói đây chính là Bo. Ly ôm chầm em gái, òa khóc: "Chị nhớ em nhiều lắm". Bo cũng vừa khóc vừa nói: "Em đã tìm chị hàng chục năm qua".
Cô Ly gặp lại mẹ ruột trong chương trình Không phải là giấc mơ. Ảnh: CNN |
"Phép màu" chưa dừng lại. MC tiếp tục dẫn một cụ bà 77 tuổi tên Te Souymoy lên sân khấu. Bà chính là mẹ ruột của Ly và Bo. Suốt 30 năm qua, Ly tưởng rằng không thể thoát khỏi cái chết dưới chế độ Khmer Đỏ. "Các con đã ở đâu vậy? Mẹ luôn tìm và lúc nào cũng lo cho các con", bà Te nói trong nước mắt khi lần đầu gặp lại hai con gái sau 40 năm xa cách.
Những người làm nên các cuộc hội ngộ
Câu chuyện của Ly Sivhong là một trong hơn 1.500 trường hợp đăng ký tìm người thân với chương trình KPLGM. Tuy nhiên, đây là trường hợp để lại ấn tượng sâu sắc nhất với Sokhayouk khi cô và các cộng sự giúp 3 người đoàn tụ cùng một lúc.
Từ khi chính thức lên sóng vào cuối tháng 7/2010, chương trình giúp 56 người thất lạc gặp lại thân nhân (tính đến tháng 5/2015). "Phần lớn các trường hợp lạc người thân xảy ra trong thời Khmer Đỏ. Chúng tôi cũng tiếp nhận một số trường hợp diễn ra sau giai đoạn này", cô Sokhayouk nói với Zing.vn.
Cô Sokhayouk theo dõi khi chương trình Không phải là giấc mơ đang diễn ra. Ảnh: Guardian |
Sokhayouk, 33 tuổi, ra đời và trưởng thành sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ tại Campuchia. Trước khi chuyển sang công việc "tìm người", Sokhayouk từng làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, tốt nghiệp ngành tài chính và quản trị. "Tôi hoàn toàn có thể tìm được một việc làm tốt. Tuy nhiên, ý tưởng của lãnh đạo đài Bayon TV về một chương trình nhân đạo đã hoàn toàn thuyết phục tôi", cô cho biết.
Dự án mà Bayon TV và Metfone hợp tác xây dựng giống như "phiên bản Campuchia" của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) tại Việt Nam.
Nhà báo Thu Uyên, chủ nhiệm chương trình NCHCCCL, nói với Zing.vn rằng: "Metfone đặt vấn đề với chúng tôi về việc tặng Campuchia khung chương trình NCHCCCL. Tôi lập tức tán thành vì cơ hội lan tỏa của NCHCCCL sẽ giúp nhiều người hơn. Chúng tôi tự hào vì lần đầu 1 format truyền hình của Việt Nam ra nước ngoài".
Nữ nhà báo nhấn mạnh, hoạt động đoàn tụ người thân không đơn giản là một chương trình truyền hình. Khâu tổ chức và sản xuất mới thực sự quan trọng.
"Bối cảnh chia ly và hoạt động tìm người ở Campuchia khác với Việt Nam. Chúng tôi đã tìm hiểu và thiết kế mô hình thích hợp nhất với nhóm sản xuất tại Bayon TV", cô giải thích.
Đội ngũ thực hiện chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly đã hỗ trợ nhóm sản xuất Không phải là giấc mơ trong năm đầu. Ảnh: NCHCCCL |
Những ngày đầu xây dựng dự án và gây dựng đội ngũ nhân sự (đa phần đều rất trẻ, với nhiều bạn trong độ tuổi 9X), thỉnh thoảng Sokhayouk phân vân về khả năng thành công của chương trình. Cô không có kinh nghiệm tìm người thất lạc, cũng chưa trải nghiệm nhiều trong lĩnh vực truyền hình.
"Ngoài ra, những chuyện xảy ra trong nạn diệt chủng quá kinh khủng nên tôi từng né tránh và không muốn tìm hiểu sâu về nó", cô thừa nhận.
Tuy nhiên, với tinh thần lạc quan, Sokhayouk và các cộng sự luôn nỗ lực theo từng đầu mối nhỏ nhất. Nhiều trường hợp họ tưởng đã tìm thấy đối tượng, song khi xác minh thì đó lại không phải người họ cần tìm. "Sau khi tìm người thành công trong hồ sơ đầu tiên, chúng tôi rất mừng và càng thêm tự tin vào công việc", Sokhayouk chia sẻ.
Đã trở thành niềm tin tưởng của những gia đình thất lạc người thân tại Campuchia, Sokhayouk nói công việc tìm người diễn ra thuận tiện hơn trong những ngày đầu.
“Chúng tôi sử dụng đài phát thanh để công bố danh tính người thất lạc hàng tuần, thực hiện một chương trình đoàn tụ phát trên truyền hình vào mỗi cuối tháng. Chính quyền địa phương cũng đã biết chương trình nên hỗ trợ rất nhiều trong những chuyến công tác ở địa phương”.
Phần lớn người tìm đến chương trình KPLGM đều coi đây là tia hy vọng cuối cùng của họ.
"Người dân Campuchia không khá giả nên họ không thể tìm thân nhân mãi mà phải quay về tiếp tục cuộc sống, mưu sinh. Khi số hồ lượng sơ tăng lên, tôi biết chương trình là niềm hy vọng của rất nhiều người", Sokhayouk bình luận.