Ký ức đầy ám ảnh
Pol Pot, lãnh đạo của Khmer Đỏ. Ảnh: Reuters |
Chhung Kong (71 tuổi), một giáo viên tại Phnom Penh trong những năm thập niên 70, là nạn nhân sống sót sau chế độ diệt chủng của Pol Pot. Ông nhớ lại những ngày đầu tiên khi đội quân Khmer Đỏ tiến vào thủ đô của Campuchia.
Chính quyền Campuchia Dân chủ (thường được biết dưới tên Khmer Đỏ) nắm quyền kiểm soát vào ngày 17/4/1975 sau khi chiến thắng đội quân của Thủ tướng Lon Nol. Khmer Đỏ đã ra lệnh sơ tán dân khỏi tất cả thành phố và thị trấn, đưa những người dân thành thị tới những vùng nông thôn để làm việc như những nông dân, nhằm tái lập xã hội thành một hình thức mà Pol Pot thai nghén.
“Ban đầu, mọi người cổ vũ, vẫy cờ chào đón quân Khmer Đỏ. Chúng tôi không biết về cái chết và mối nguy hiểm đang rình rập”, Chhung nói với phóng viên AFP khi ngồi trong văn phòng luật sư của ông tại Phnom Penh.
Theo ký ức của Chhung, khoảng 10 hoặc 11h ngày 17/4/1975, binh lính Khmer Đỏ ra lệnh cho người dân rời thành phố. "Họ nói chúng tôi chỉ có vài ngày để di tản”, ông nhớ lại.
4 năm sau, 16 người thân của ông Chhung thiệt mạng dưới chế độ Khmer Đỏ. Phnom Penh trở nên hoang tàn. Một trường học ở trung tâm biến thành nhà tù khét tiếng Sleng hay còn gọi là S21. S21 được thiết kế đặc biệt để tra hỏi và tiêu diệt các phần tử "phản bội".
Những ký ức về cuộc cách mạng đẫm máu, khiến 2 triệu người chết vì bị bỏ đói, làm việc quá sức hay bị tra tấn, luôn ám ảnh cựu nhà giáo. Ông Chhung nhớ lại, đó là những ngày hè nóng nực, những toán lính Khmer Đỏ xắn ống quần tới đầu gối, một số người khác áp giải dân di tản bằng cách nổ súng. Họ đeo những dây đạn dài xung quanh ngực.
Cuộc cưỡng chế dân di cư do chính quyền Pol Pot thực hiện. Ảnh: AFP |
Hàng chục nghìn người di tản khỏi thành phố trong vài ngày. Một số người đưa theo trẻ nhỏ, trong khi những người khác đẩy giường chở bệnh nhân đi theo cuộc hành trình. Theo Chhung, ông đã thấy những xác người rải rác bên đường.
“40 năm trước, Pol Pot biến Campuchia thành địa ngục – một vùng đất ma”, Huot Huorn, 67 tuổi, nói trong nước mắt. 36 người thân của bà đã chết dưới chế độ Khmer Đỏ.
“Chúng bỏ đói người dân, tống giam tù nhân mà không cung cấp nước uống và thức ăn. Tôi chứng kiến cảnh lính Khmer Đỏ đập vỡ đầu của những đứa trẻ bằng một cành cây”, bà Huot nói.
Một bé trai Campuchia đứng trong trại tị nạn ở Thái Lan. Gia đình đưa em sang Thái Lan để thoát chế độ diệt chủng ở Campuchia. Ảnh: Layersofthailand.com |
Vài ngày sau khi phát động cuộc di tản, Phnom Penh trở thành một đô thị hoang tàn. Toàn bộ 2 triệu dân đã chuyển tới các vùng nông thôn. Những người lớn tuổi, ốm yếu và trẻ em đều thiệt mạng trong cuộc cưỡng chế di cư có quy mô lớn nhất trong lịch sử hiện đại.
Năm 1979, quân đội Việt Nam đánh bật quân Khmer Đỏ khỏi Campuchia. Giai đoạn cai trị của Pol Pot kết thúc sau 4 năm. Khoảng 2 triệu người Campuchia thiệt mạng dưới chế độ diệt chủng này.
Phơi bày tội ác và trả giá
Phù đồ chứa hộp sọ của những nạn nhân tại "cánh đồng chết" Choeung Ek. Ảnh: Wikipedia |
Chỉ sau khi Khmer Đỏ sụp đổ, quy mô tàn bạo của chế độ này mới lộ rõ. Người ta phát hiện xương của hàng nghìn nạn nhân tại những ngôi mộ tập thể ở khắp nơi trên đất nước, gồm "cánh đồng chết" Choeung Ek.
Nhiều người bị coi là “kẻ thù của cách mạng” phải chịu đòn tại nhà tù khét tiếng Tuol Sleng. Những buồng tra tấn vẫn được bảo tồn tới ngày nay. Chúng là minh chứng rõ nét cho sự ghê rợn của chế độ diệt chủng Pol Pot.
Năm 2010, một tòa án xét xử tội ác chiến tranh đã tuyên án Kaing Guek Eav (biệt danh Duch), cựu cai ngục ở Tuol Sleng, 30 năm tù vì liên quan tới cái chết của 15.000 người.
Tháng 8/2014, 2 cựu thủ lĩnh cấp cao còn sống sót của chế độ Khmer Đỏ là Nuon Chea (88 tuổi) và Khieu Samphan (83 tuổi) bị kết án chung thân vì tội ác chống lại nhân loại. Tuy nhiên, cả 2 đã kháng cáo.