Thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi, được biết đến như một chiến binh sống sót, đã từng vượt qua nhiều sóng gió.
Phía Mỹ và các chuyên gia chống khủng bố cho biết trong những tháng gần đây, al-Qurayshi đã lên kế hoạch quay trở lại, vực dậy đế chế Hồi giáo tự xưng từng khủng bố nhiều nơi cho đến khi bị đẩy lùi 3 năm trước.
Tuy nhiên, kế hoạch đó gặp phải bước ngoặt đột ngột vào rạng sáng 3/2, khi Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ tấn công nơi ẩn náu của al-Qurayshi ở phía tây bắc Syria. Khi biệt kích Mỹ tấn công vào ngôi nhà ba tầng ở làng Atme, al-Qurayshi đã kích nổ một quả bom để tự giết bản thân và gia đình, trong đó có trẻ em.
“Thủ lĩnh tổ chức khủng bố khủng khiếp này đã bị tiêu diệt,” Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố trên truyền hình ngày 3/2, thông báo kết quả cuộc đột kích.
Sống ẩn dật
Al-Qurayshi là thủ lĩnh tối cao thứ hai của IS. Cái chết của nhân vật này gần giống với thủ lĩnh tiền nhiệm là Abu Bakr al-Baghdadi, người cũng đã kích nổ một quả bom tự sát sau khi bị đặc nhiệm Mỹ đột kích và bao vây vào năm 2019, chỉ cách đó vài km.
Hiện trường nơi ẩn náu của al-Qurayshi ở Atma, Syria, sau khi bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt, hôm 3/2. Ảnh: Reuters. |
Giống như Baghdadi, al-Qurayshi giữ danh xưng caliph ( quốc vương), mặc dù cái gọi là caliphate (đế chế Hồi giáo) thật sự của IS đã bị suy vong nhiều tháng trước khi al-Qurayshi nắm quyền.
Là thủ lĩnh khủng bố, song al-Qurayshi phải ẩn dật suốt thời gian qua, vì khu vực thành trì của IS ở Iraq và Syria đã bị thu hẹp đáng kể.
Tuy nhiên gần đây, IS dường như đang trên đà phục hồi. Mạng lưới các chi nhánh khu vực của IS ở châu Phi đang trở nên mạnh hơn, trong khi các chiến binh của tổ chức này ở Iraq và Syria đã bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công phức tạp và táo bạo. Trong đó, có thể kể tới cuộc tấn công vào nhà tù Hasakah ở phía đông bắc Syria vào tháng trước, nơi giam giữ hàng nghìn cựu chiến binh khủng bố.
Giới chức chống khủng bố và các chuyên gia cho biết chưa có bằng chứng cho thấy al-Qurayshi đích thân chỉ đạo vụ tấn công trên. Cái chết của thủ lĩnh IS trước mắt đã là một cú sốc lớn trong lúc nhóm khủng bố đang cố gắng lấy lại vị thế.
Charles Lister, Giám đốc chương trình Syria về chống khủng bố và cực đoan tại Viện Trung Đông, viện nghiên cứu của Washington, cho biết: “Đó chắc chắn là một đòn giáng vào tinh thần IS sau vụ Hasakah". Câu hỏi lớn đặt ra hiện nay với IS là: Việc tiêu diệt thủ lĩnh là một thành tựu chiến lược tổng thể của Mỹ hay chỉ là nước đi chiến thuật?
Mặc dù tại vị chưa đầy 3 năm, al-Qurayshi đã chuẩn bị cho vai trò lãnh đạo IS gần hết quá trình trưởng thành của mình.
Sinh năm 1976 tại Iraq với tên gọi Amir Muhammad Sa’id Abd-al-Rahman al-Mawla, ông gia nhập nhóm khủng bố al-Qaeda vào khoảng năm 2004 ở Iraq và tiến hành chiến tranh du kích chống Mỹ.
Qurayshi là con trai của một gia đình gần thị trấn Tal Afar, miền Bắc Iraq. Nền tảng gia đình đã đem lại lợi thế lớn cho Qurayshi: Trở thành thành viên trong một bộ tộc được cho là hậu duệ của người sáng lập Hồi giáo, Muhammad - một "bằng cấp" quan trọng cho một thủ lĩnh tương lai của IS.
Hồ sơ của Iraq cho thấy al-Qurayshi, khi đó được gọi là al-Mawla, theo học tại Đại học Mosul, chuyên ngành nghiên cứu kinh Koran.
Sau một thời gian ngắn làm việc trong quân đội Iraq, al-Qurayshi trở lại trường đại học để lấy bằng thạc sĩ về nghiên cứu Hồi giáo, đạt được các chứng chỉ học thuật, sau đó tìm cách leo lên các vị trí lãnh đạo cấp cao trong IS.
Từng hợp tác với quân đội Mỹ
Al-Qurayshi từng bị bị bắt giữ vào năm 2008 và bị giam tại Trại Bucca ở Iraq.
Ônga ta được mô tả là người mang bộ mặt cau có, và cũng là tỏ ra sẵn sàng cung cấp thông tin cho giới chức trách.
Trong các bản ghi chép thẩm vấn, al-Qurayshi từng tiết lộ tên, địa chỉ và thông tin cá nhân của các đối thủ trong nhóm khủng bố, trong đó có cả Abu Qaswarah, người sau này là thủ lĩnh số hai của al-Qaeda.
Sau đó vài tuần, Qaswarah đã bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của quân đội Mỹ.
Qurayshi, thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã kích hoạt bom nổ để tự sát cùng cả gia đình, khi quân đội Mỹ đến không kích. Ảnh: Twitter. |
“Người bị giam giữ đang cung cấp rất nhiều thông tin”, trích một trong những báo cáo thẩm vấn, do Trung tâm chống Khủng bố công bố. Một chuyên gia về khủng bố đã mô tả al-Qurayshi là “một con chim biết hót với tài năng và khả năng độc nhất vô nhị”.
Mặc dù nhiều chi tiết chưa được làm rõ, al-Qurayshi đã được ra tù vào năm 2009, sau khi quân đội Mỹ chuyển giao quyền kiểm soát các cơ sở giam giữ cho chính phủ Iraq.
Al-Qurayshi trở lại nhóm khủng bố và sau 5 năm, khi Baghdadi đưa IS chiến thắng khắp Syria và miền Bắc Iraq, al-Qurayshi là cố vấn tôn giáo quan trọng, chuyên tổ chức các buổi lễ cầu nguyện, thuyết pháp và hướng dẫn tôn giáo cho nhóm.
Ông ta là phụ tá của Baghdadi, và thuộc nhóm lãnh đạo cấp cao khi IS này giành quyền kiểm soát thành phố lớn thứ hai của Iraq, Mosul, vào năm 2014.
Sau đó, IS liên tiếp bị thất bại dưới tay liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu bắt đầu từ mùa thu năm 2014 đến đầu năm 2019. Thành trì cuối cùng của IS ở thị trấn Baghuz, Syria bị phá hủy vào thời điểm đó.
Tầm ảnh hưởng của al-Qurayshi được cho là kém xa so với thủ lĩnh tối cao của IS, Abu Bakr al-Baghdadi - người đã bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của Mỹ vào năm 2019. Ảnh: Reuters. |
Các báo cáo về sự hợp tác trong quá khứ của al-Qurayshi với phía Mỹ gây bất lợi cho thủ lĩnh IS, ngay cả khi đã được thăng tiến.
Khi al-Qurayshi đang trong cuộc tranh giành vị trí nhà lãnh đạo mới, những người ủng hộ IS trên mạng xã hội đã chỉ trích lựa chọn này, cho rằng nhân vật này không đủ tư cách vì các hành vi trong quá khứ.
Tuy nhiên, đối với IS, al-Qurayshi là cái tên hoàn hảo ghế lãnh đạo, vì có đủ khả năng thống nhất một tổ chức đang lụi tàn và là thủ lĩnh mang tính biểu tượng.
Bruce Riedel, một cựu quan chức CIA về chống khủng bố cho biết: “IS đã tìm cách vây dựng hình tượng Abu Ibrahim như một hậu duệ của nhà tiên tri Muhammad. Điều này sẽ giúp nhóm nâng cao hình ảnh trong mắt những người theo dõi, đồng thời còn củng cố tuyên bố của IS là caliphate thực sự và hậu duệ của các quốc gia Hồi giáo sơ khai".
Cái chết đột ngột
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về khủng bố, al-Qurayshi là một "caliph không có caliphate".
Theo ước tính của quân đội Mỹ, trong khi IS duy trì đội quân gồm ít nhất 10.000 chiến binh ở Iraq và Syria, tổ chức này khá chật vật trong việc giành lại vị thế sau khi Baghuz thất thủ.
Trong khi đó, al-Qurayshi chưa bao giờ là một nhân vật nổi bật. Thủ lĩnh này biến mất khỏi truyền thông sau khi lên nắm quyền.
Phía Mỹ tin rằng al-Qurayshi vẫn chỉ đạo các hoạt động ngầm và cố vấn cho các chi nhánh trong khu vực của IS.
Vỏ đạn còn sót lại sau cuộc không kích vào nơi ở của thủ lĩnh al-Qurayshi ở làng Atmeh, tỉnh Idlib, Syria. Ảnh: AP. |
Một nhân viên tình báo ở Trung Đông theo dõi chặt chẽ hoạt động của IS cho biết al-Qurayshi đơn giản là thiếu sức hút của người tiền nhiệm Baghdadi. Nhưng bản thân người đàn ông này cũng lựa chọn như vậy để đảm bảo tính bí mật.
“Al-Qurayshi dường như đã trao cho chỉ huy các nhánh khác nhau thêm trách nhiệm và quyền lực để hành động mà không cần sự phê duyệt từ ông ta. Và đó là lý do IS vẫn phát triển rộng rãi ở một số khu vực, mặc dù caliphate không còn tồn tại", nhân viên tình báo ẩn danh tiết lộ.
Phía IS không xác nhận hoặc có tuyên bố về cái chết của al-Qurayshi, và cũng chưa có đề cập nào về người thay thế. Theo các chuyên gia chống khủng bố, có thể sẽ mất vài tháng tới khi một thủ lĩnh mới được công bố.
Trong khi đó, trên mạng xã hội, những người ủng hộ IS không quá bàng hoàng về sự kiện này. Dù al-Qurayshi có là một nhà lãnh đạo, cái chết của ông ta cũng chỉ mang ý nghĩa nhỏ, không ảnh hưởng đến hoạt động tiếp theo của IS.