Nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng, người dân không phản đối việc đốn hạ cây vì những lý do bất khả kháng như cây nguy hiểm, bị cong, hỏng, dễ đổ, dễ gây tai nạn; cây gây hại cho sức khoẻ, cây không có tác dụng cho cuộc sống hay để đảm bảo giao thông...
Tuy nhiên, ông Tuấn kiến nghị nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để các nhà khoa học và người dân kiểm tra xem có đúng 6.700 cây là thuộc diện cần phải loại bỏ hay không.
Những cây xà cừ ở trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Nội) có độ cao khoảng 8 - 10 m bị chặt hạ để phục vụ việc xây dựng tuyến đường sắt trên cao. Ảnh: Lê Hiếu. |
"Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thoả đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào? Đã là hợp lý, tiết kiệm hay không trong thời điểm này? Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ? Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây... theo phương thức nào? Đó cũng là thể hiện trách nhiệm thông tin công khai, minh bạch. Mong ông Chủ tịch quan tâm xem xét kiến nghị này", nhà báo Trần Đăng Tuấn viết trong thư ngỏ.
Theo đề án cải tạo thay thế cây xanh của Sở Xây dựng trình TP Hà Nội, năm 2015, Hà Nội sẽ thay thế, trồng lại hơn 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố.
Nguồn kinh phí thực hiện hơn 73 tỷ đồng được huy động từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế.