Để phục vụ tuyến đường sắt trên cao, nhiều cây xà cừ có đường kính lớn bị chặt hạ. Ảnh: Nam Khánh |
Cụ thể qua việc khảo sát gần 30.000 cây xanh tại 10 quận nội thành, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất chặt hạ khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố. Số cây bị chặt hạ do không thuộc loại cây xanh đô thị (dâu da, vông, trứng cá, xà cừ…).
Ngoài ra, một số cây bị cong, nghiêng, chết và sâu mục không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và gây cản trở giao thông.
Sở Xây dựng cho biết để chặt hạ số cây xanh trên phải huy động 73 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho các việc như khảo sát, chặt, trồng cây thay thế, bó vỉa, hoàn trả vìa hè.
Sau khi chặt hạ, đơn vị chức năng sẽ bổ sung cây vào những chỗ có điều kiện trồng cây xanh tại các hè phố có mặt cắt ngang hơn 2 m. Các cây sẽ tiếp tục được đánh mã số để làm cơ sở xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cây xanh bóng mát.
Trước đó, để phục vụ dự án đường sắt trên cao, 146 cây xà cừ trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Nội) đã bị đốn hạ, trong đó 123 cây có đường kính lớn hơn 50 cm, cao 14 - 20 m. Ngoài ra, hàng xà cừ ven hồ Thủ Lệ và một số hàng cây tại đường Láng cũng bị đốn hạ để phục vụ dự án.
Theo lý giải của Sở Xây dựng Hà Nội, việc chặt hạ hàng loạt cây xà đây không phải là cây xanh đô thị. Do thân cao, lớn… đặc biệt là rễ chùm của cây rất nguy hiểm khi mùa mưa bão đến.
Cây xanh ở Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài trong đó 25 loài có số lượng cá thể lớn. Lượng cây trồng khoảng 50.000 cây với các loại chủ yếu như xà cừ, muồng, bằng lăng, phượng, sấu...