Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm của An San Cosmetics vì nghi là hàng lậu

Cơ quan chức năng đã kiểm tra 4 điểm bán của An San Cosmetics tại TP.HCM và thu giữ nhiều sản phẩm vì nghi là hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc.

Hàng nghìn mỹ phẩm bị thu giữ tại Ansan Cosmetics Kiểm tra 4 địa điểm kinh doanh của thương hiệu mỹ phẩm Ansan Cosmetics tại TP.HCM, lực lượng chức năng thu giữ hàng nghìn sản phẩm không hoá đơn, chứng từ, có dấu hiệu làm giả.

Sáng 18/3, Tổ công tác 368 của Bộ Công Thương về thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cùng một số sở ngành đã phối hợp kiểm tra đồng loạt 4 điểm kinh doanh của An San Cosmetics.

Theo lực lượng chức năng, các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được bán tại cửa hàng, website và sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp này không có hóa đơn chứng từ, không ghi nhãn hàng hóa theo quy định, có dấu hiệu kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ.

Đặc biệt, trong mảng thương mại điện tử, doanh nghiệp này thiết lập website có tính năng mua hàng trực tuyến nhưng không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

An San Cosmetics bi thu giu hang nghin my pham lau anh 1

Lực lượng chức năng làm việc với một cửa hàng An San Cosmetics trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM). Ảnh: Xuân Thanh.

Website không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về cá nhân, tổ chức sở hữu trang, thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, phương thức vận chuyển, thanh toán hay các điều kiện giao dịch trước khi khách sử dụng tính năng đặt hàng trực tuyến.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Sau quá trình kiểm tra kho chứa trữ và kinh doanh hàng hóa của doanh nghiệp này tại 4 địa điểm ở các quận 6, 10, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM), lực lượng chức năng đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm.

Có mặt trong buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương) đã chia sẻ một số khó khăn trong công tác quản lý lĩnh vực này.

Thứ nhất, việc thiết lập và ngừng hoạt động các website, fanpage hiện nay còn đơn giản, do đó các đối tượng xấu chỉ sử dụng trong thời gian ngắn để bán hàng giả, ẩn đi nhiều thông tin quan trọng.

Thậm chí, các thương hiệu lớn dù biết cũng không phản ánh với cơ quan chức năng, bởi họ không muốn công khai cách phân biệt hàng thật và hàng giả, sợ kẻ xấu lợi dụng để sản xuất hàng giả chính xác hơn. Bởi vậy, lực lượng chức năng không có căn cứ để phát hiện và kiểm tra.

Về phía người tiêu dùng, một bộ phận không tìm hiểu kĩ thông tin, nhất là phản hồi từ các khách hàng khác, hoặc biết là hàng giả nhưng vẫn tiêu thụ vì phù hợp túi tiền.

Đồng thời, theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, công tác đấu tranh với đối tượng xấu cần sự phối hợp của nhiều đơn vị chức năng, đồng thời cũng phải đảm bảo bí mật, bất ngờ.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm