*Phiên bản S10+ phóng viên Zing sử dụng là bản thử nghiệm, chưa phải bản thương mại.
Tôi tham dự sự kiện ra mắt Galaxy S10, S10+ tại San Francisco và có trên tay một chiếc Galaxy S10+ ngay khi sự kiện này kết thúc.
Thực tế sau khi kết thúc sự kiện, có quá nhiều việc phải làm nên tôi chỉ có thể trực tiếp trải nghiệm sản phẩm này vào 2 ngày sau đó (21 và 22/2). Lắp SIM, cài đặt một số ứng dụng cơ bản và tôi bắt đầu có những ấn tượng đầu tiên về sản phẩm này.
Camera ấn tượng - ống kính góc rộng mới mẻ
Với nhiều người sử dụng smartphone hiện nay, camera là thứ đáng quan tâm bậc nhất. Khi dùng thử một sản phẩm, đây cũng là tính năng đầu tiên tôi muốn thử nghiệm.
Rất may mắn là tôi có gần như nguyên một ngày để lang thang tại một số địa điểm ở San Francisco để thử nghiệm khả năng chụp hình của sản phẩm này.
Một số ảnh chụp từ camera của Galaxy S10+. |
Nhìn vào các thông số, bạn sẽ thấy Samsung không đưa ra quá nhiều nâng cấp cho Galaxy S10 và S10+. Tuy nhiên, có vẻ như những gì hay ho nhất đều được ẩn giấu ở bên trong.
Có 2 thứ cần nhắc đến ở camera của sản phẩm này: AI và camera góc rộng.
Samsung thực sự nghiêm túc về AI và NPU (Neural Processing Unit), mang đến nâng cấp đáng kể cho cụm camera 12 megapixel tưởng như chẳng có gì mới của S10+. Tất nhiên, bạn sẽ chỉ nhận thấy từng khác biệt nhỏ một (gộp lại sẽ tạo ra khác biệt kha khá) khi so sánh với ảnh chụp từ Galaxy S9 hay Note 9.
Điểm nổi bật nhất có thể tóm gọn là chiếc máy này có thể chụp siêu nhanh trong mọi tình huống. Tôi thường xuyên tắt màn hình, nhấn đúp nút nguồn để mở nhanh camera và chụp khi gặp khoảnh khắc hoặc thứ gì đó muốn chụp để thử khả năng phản ứng nhanh của nó và kết quả khiến tôi thực sự hài lòng.
Dải sáng và màu sắc của nó cũng rất tuyệt. Có vẻ như khả năng xử lý ảnh HDR của S10+ đã hoàn thiện hơn nhiều so với các phiên bản cũ.
Tuy nhiên, điểm khiến tôi cảm thấy thú vị nhất ở đây lại đến từ camera góc rộng. Về thông số, camera này có độ phân giải 16 megapixel, chụp góc rộng 123 độ. Camera này mô phỏng chuẩn xác góc nhìn của mắt người khi chụp một tấm ảnh.
Ảnh chụp góc thường so với góc rộng trên Galaxy S10+. |
Trên giao diện chụp hình, biểu tượng zoom 0,5x, 1x và 2x hiển thị rất trực quan khiến tôi luôn muốn đổi thử sang camera góc rộng để xem bức ảnh sẽ thay đổi như thế nào.
Chất lượng của những bức ảnh từ camera góc rộng này tất nhiên không thể bằng camera chính do khẩu độ hẹp hơn và không có chống rung quang học. Tuy nhiên, nó lại rất thú vị, đặc biệt khi chụp cảnh vật.
Kết quả là trong suốt một ngày đi chụp ảnh, tôi sử dụng camera góc rộng này nhiều hơn và gần như quên hẳn ống kính telephoto, vốn để chụp chân dung (live focus) - tính năng mà tôi rất thích trước đây.
Màn hình tốt nhất từ trước đến nay
Cứ qua mỗi thế hệ, màn hình của các mẫu máy Galaxy lại tốt lên. Tôi không quan tâm nhiều đến những thông số trên giấy tờ như màn hình đạt chuẩn HDR10+ đầu tiên.
Tôi có thói quen là đặt điện thoại ở độ sáng ở khoảng 50-60% để tiết kiệm pin và khi ra ngoài trời, tôi buộc phải kéo màn hình cho sáng lên để xem được nội dung tốt hơn. Với S10+, tôi vẫn giữ thói quen để độ sáng đó, nhưng gần như quên mất việc kéo sáng thêm vì màn hình của nó hoàn toàn đủ dùng.
Tôi đã có cơ hội trải nghiệm nhiều smartphone cao cấp khác. Xét ở khả năng hiển thị thì hiện nay không có smartphone nào qua mặt được S10+.
Thiết kế màn hình ‘đục lỗ’ không phải vấn đề
Ban đầu, tôi hơi lo ngại về thiết kế của màn hình mà Samsung gọi là O-Infinity. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian sử dụng, tôi thấy nó không phải vấn đề. Trên giao diện màn hình chờ hoặc hình nền mặc định, Samsung đã cố làm cho phần góc phải bên trên tối đi để che mất cụm camera selfie kép này. Do đó, khi mở máy, bạn sẽ nhanh chóng quên đi nó.
Bạn sẽ nhnah chóng quên đi phần "đục lỗ" này trên màn hình của Galaxy S10+. |
Vào các ứng dụng cụ thể, phần “đục lỗ” này nổi rõ hơn, chẳng hạn khi duyệt web với nền màn hình là màu trắng. Khi đó, cụm camera này nằm ngang với thanh thông báo, không gây khó chịu khi xem nội dung.
Tôi phải làm quen với cảm biến vân tay siêu âm
Đối với tôi mà nói, cảm biến vân tay đặt trong màn hình này không quá thuận lợi khi sử dụng. Bước cài đặt vân tay có vẻ lâu hơn so với thông thường, khi mở khóa cũng có độ trễ nhất định so với nhận diện khuôn mặt, thậm chí là cả cách mở khoá trên nút Home của các smartphone trước đây.
Vị trí đặt cảm biến vân tay siêu âm trên Galaxy S10+. |
Có thể do phiên bản tôi sử dụng mới chỉ là bản thử nghiệm nên mọi thứ vận hành chưa được trơn tru. Tuy nhiên, việc phải gõ 2 lần để mở màn hình, sau đó tìm xem đâu là vị trí chính xác ở khoảng dưới, chính giữa màn hình để đặt vân tay rõ ràng không thân thiện bằng nút Home mà bạn đã thực sự quen thuộc, hoặc chỉ cần nhìn vào màn hình để mở khóa.
Tôi tin là khi sử dụng thuần thục, thao tác mở khóa của tôi sẽ nhanh hơn nhưng cho đến hiện tại, nó vẫn chưa quá ấn tượng với tôi.
Một điểm khác khiến tôi chưa hài lòng là khi sử dụng S10+, tôi thường xuyên chạm vào màn hình của máy một cách vô ý, đặc biệt khi xem video. Thiết kế tràn viền với cạnh bên cong của máy khiến tôi rất dễ chạm vào phần cạnh bên này khi cầm máy. Đó có lẽ cũng là lý do khiến tôi cảm thấy ấn tượng với chiếc S10e với màn hình phẳng, viền màn hình dày hơn đôi chút.