Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thú đọc sách của người xưa

Ba tôi còn giữ ký ức về chợ sách trên lề đường Trần Quý Cáp năm 1954. Nhà văn Sơn Nam cũng nhắc tới chợ sách lề đường này trong cuốn "Một mảnh tình riêng".

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong bài viết “Kỷ nguyên tiêu thụ và nghề viết văn” (giai phẩm Bách khoa số kỷ niệm 16 năm và Xuân Quý Sửu 1973) kể về cách lưu trữ sách ngày xưa, hầu như là sách chữ Hán, ở miền Bắc khoảng thập niên 1920:

“Hồi tôi còn để chỏm, nhà tôi không có tủ sách mà chỉ có hai cặp sách. Cặp sách của chúng tôi cao độ tám tấc gồm bốn cái cọc một tấm ván gọi là đế, bề mặt bằng khổ tờ giấy bản gấp đôi, nghĩa là chiều dài độ ba tấc, chiều ngang hơn hai tấc (tôi nhớ phỏng chừng như vậy), đóng hai quai để treo lên, hoặc xách hoặc khiêng, thêm một tấm ván nữa ở phía trên để dằn sách xuống".

"Khi đổi chỗ ở thì có người gánh, y như trong truyện Kiều: 'Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang'. Một cái cặp như vậy chứa Tứ thư ngũ kinh, ít bộ Bắc sử và bộ Khang Hi tự điển thì vừa đủ. Còn cái nữa chứa một ít sách thuộc, địa lý (tức sách phong thủy), tử vi, bói, vài bộ ngoại thư: Tình sử, Liêu trai, Đường thi, Tống thi, Văn tâm Điêu long và ít cuốn sách Nôm: Kiều, Hoa Tiên”.

thu doc sach anh 1

Kệ sách. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Ông kể có một ông bác chỉ có hai cặp sách gồm sáu bảy chục bộ mà đã nhiều sách nhất tổng. Khi ấy muốn mua sách thì xuống Hà Nội đến một tiệm ở phố Hàng Gai.

Khoảng năm 1925 ở đó còn có dăm bảy tiệm bầy những sách in mộc bản ở trên một tấm phản kê hơi cao. Có chừng trăm thứ sách rẻ tiền, còn sách quí cất riêng ở trong. Ít năm sau các tiệm đó cũng dẹp luôn, thay vào là những tiệm bazar.

Đối với những người có điều kiện kinh tế, sách báo mua về vẫn được xem là thứ vật chất quý giá để giữ gìn. Tôi có đọc trong một cuốn bút ký sau 1975, một anh trí thức Sài Gòn nhà giàu Tây học bỏ nhà theo kháng chiến.

Nói về sự kiên quyết dứt bỏ giàu sang của anh ta, tác giả kể anh không hề tiếc ngôi biệt thự, cái tủ rượu và một tủ sách đồ sộ. Bộ ba này được coi là những thứ phong lưu bậc nhất mà người thời ấy có được.

....

Sinh thời, ba tôi còn giữ ký ức về chợ sách trên lề đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần, khu chợ Đũi) khoảng 1954. Đọc cuốn Một mảnh tình riêng của nhà văn Sơn Nam, thấy ông nhắc tới chợ sách lề đường này và cho đó là “nét đẹp nhất vào màn chót của việc chấm dứt một thế kỷ đô hộ của người Pháp”.

Ở đó bán nhiều cuốn sách quý một thời của những người sưu tập cất trong thư viện gia đình, mạ chữ vàng.

Ông kể : “Nhiều quyển nhất là sách khảo cứu bán rẻ, thí dụ như sách cơ bản để tham khảo về văn minh Chăm, điện Ăng-ko, đạo thiền, toàn tập văn chương của những bậc lừng danh Pháp, hoặc Đức, Anh dịch sang chữ Pháp.

Sách của những luật sư kỹ nghệ gia Pháp từng lưu trú lâu đời ở Sài Gòn, già rồi họ về xứ để nhắm mắt. Lại còn sách lấy ra từ các thư viện các câu lạc bộ sĩ quan Pháp, câu lạc bộ thể thao, đồn điền cao su”.

Đây là cơ hội hiếm hoi để sở đắc những cuốn sách đẹp và quý với kỹ thuật đóng sách cao cấp hơn hẳn thời sau này. Tuy vậy, dù là sách vỉa hè, giá bán rẻ hơn trước nhưng theo ba tôi, giới bình dân không mua nổi vì giá vẫn còn khá cao so với thu nhập của họ.

thu doc sach anh 2

Kệ sách. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Đầu thập niên 1960, đại lộ Lê Lợi trở thành thiên đường của giới ham đọc và ham học. Ở đó, ngoài khu bán sách vỉa hè phía bên vỉa hè gần nhà thương Sài Gòn và các quán bán sách báo và bưu ảnh, còn có khoảng chục nhà sách, lớn nhất là Khai Trí, và các nhà sách Tự Lực, Việt Bằng, Vĩnh Bảo, Dân Trí, Khai Trí, Phúc Thành, Lê Thành Tuân, Việt Hương, Nguyễn Văn Trung, Văn Hữu, Lê Phan, Hoa San, Thu Tâm…

Người đọc lúc ấy ra đến đó là mê mẩn, nhưng mua phải dè sẻn. Nhà sách Khai Trí có cho đọc tại chỗ nên có rất nhiều người tranh thủ coi cọp, tranh thủ nạp cho nhanh cho nhiều chữ nghĩa vào đầu không mất tiền.

Trong hành lang Eden khoảng thời gian này có ba nhà sách bán sách báo ngoại quốc, nổi bật là một tiệm sách tiếng Anh tuy nhỏ nhưng khá nổi tiếng lấy tên là Book Shop.

Lúc đó, phong trào học Anh ngữ đang lên, người Sài Gòn đến học các trường tư dạy tiếng Anh để mong tìm được việc làm thư ký hay phiên dịch ở các hãng buôn ngoại quốc, các sở thông tin hay các tòa Đại sứ Anh Mỹ.

Lúc đó chỉ có sách dạy tiếng Anh cho người Pháp, người Mã Lai, người Thổ Nhĩ Kỳ... Hiệu sách này ra đời đáp ứng như cầu đa dạng hơn về sách tiếng Anh. [...] Hiệu sách có đủ các loại: Tiểu thuyết best-seller trong năm, sách khảo cứu đủ loại từ làm vườn, trang hoàng nhà cửa, nuôi con… cho đến sách hội họa, văn chương, chính trị.

Ngoài ra, có cả các tuần san, nguyệt san như Life, Saturday’s Evening Post, Esquire, Photography... Riêng sách học tiếng Anh có đủ sách dành cho các cấp độ, từ Tự điển bỏ túi cho đến Bách khoa từ điển. Tuy nhiên, mỗi tựa sách ngoại ngữ nhập về đây không nhiều lắm nên chỉ một thời gian ngắn là hết veo.

Các cuốn sách quý thật sự trở thành của cải, có giá trị mua bán trao đổi trong giới đọc và chơi sách. Trong thư viện gia đình của dân chơi sách tầm cỡ, thường là khá giả trở lên, sở hữu nhiều sách giá trị mà nhà sách hay có khi thư viện không có, hoặc không phong phú bằng.

Phạm Công Luận / Phanbook và NXB Đà Nẵng

SÁCH HAY