Lực lượng tuần duyên Philippines trong một cuộc diễn tập chống cướp biển hồi tháng 5. Ảnh: Reuters. |
Trong một báo cáo của Cục Hàng hải quốc tế (IMB), trong quý I/2015 trên thế giới có 54 vụ cướp biển. Đáng chú ý, hơn một nửa số này tập trung ở Đông Nam Á.
IMB nói trong khi số vụ cướp biển trên toàn cầu giảm từ năm 2011, con số này ở Đông Nam Á tăng lên những năm gần đây.
Tổ chức Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp tàu biển có vũ trang ở châu Á (RECAAP) mới đây đưa ra báo cáo nói các vụ tấn công tại Đông Nam Á chủ yếu xảy ra ở eo biển Malacca và eo biển Singapore.
Trong khi đó, tại vùng biển ngoài khơi Somalia, nơi những năm qua khét tiếng bởi các vụ cướp biển, trong quý đầu năm nay không có vụ nào xảy ra.
Trang tin Homeland Security Today cho hay nỗ lực chống cướp biển giờ đây tập trung trở lại châu Á. Hầu hết vụ cướp trên biển ở Đông Nam Á năm qua đều được thực hiện bởi các băng nhóm có vũ trang, nhằm vào các tàu chở nhiên liệu nhỏ để cướp lô hàng trên đó thay vì bắt cóc thủy thủ đoàn đòi tiền chuộc.
Cướp nhanh, rút gọn
Ngày 2/5, 8 tên cướp biển có vũ trang khống chế tàu chở nhiên liệu Ocean Energy ngoài khơi cảng Dickson (Malaysia) ở khu vực eo biển Malacca.
Theo trang tin Vice, nhóm cướp đã buộc Ocean Energy phải neo đậu lại, sau đó rút khoảng 2.023 tấn khí đốt từ tàu lên một sà lan được chúng kéo theo. Việc rút nhiên liệu diễn ra trong khoảng 20 giờ.
Ngày 15/5, khoảng 30 tên hải tặc lên tàu Oriental Glory ở phía nam Biển Đông gần Malaysia. Chúng đã cướp gần 2.500 tấn dầu cùng đồ đạc của thủy thủ đoàn.
Chưa hết, ngày 4/6 tàu Orkim Victory của Malayisa chở theo các lô hàng dầu của Petronas cũng bị cướp ngoài khơi nước này. Theo kênh ABC, Orkim Victory đã được thả nhưng 6.000 thùng dầu trên tàu biến mất.
Các nhóm hải tặc nhằm vào tàu ở Đông Nam Á hầu hết tìm cách cướp nhanh các lô hàng nhiên liệu trên tàu để bán. Giám đốc IMB Pottengal Mukundan cho biết, các băng cướp biển ở Đông Nam Á giờ đây không quan tâm đến việc bắt cóc thủy thủ đoàn đòi tiền chuộc.
Thay vào đó, chúng nhằm vào các tàu nhỏ chở nhiên liệu. RECAAP cho hay nếu không thể cướp các lô hàng nhiên liệu trên tàu, hải tặc lấy bất cứ thứ gì chúng có thể cướp trong kho của tàu, từ sơn cho đến dây thừng.
Trong khi đó, trang tin Homeland Security Today cho biết, việc rút nhiên liệu cũng đang gây quan ngại bởi đôi khi nó được thực hiện bởi những tên cướp không được huấn luyện hoặc sử dụng sai thiết bị. Điều đó có thể dẫn đến thảm họa môi trường hoặc cháy nổ.
Tăng cường thực thi luật pháp
Trong khi đã có những bước tiến lớn trong việc bảo vệ cảng và tuyến hàng hải, nguy cơ các tàu bị cướp vẫn rất cao. Theo Homeland Security Today, những biện pháp an ninh truyền thống như dùng radar không phải lúc nào cũng hữu hiệu bởi thiết bị này không phát hiện các tàu nhỏ và bằng gỗ mà hải tặc hay dùng.
Một giải pháp phù hợp với điều kiện khắc nghiệt trên biển, có thể phát hiện các thuyền cao su, người bơi và tàu gỗ được coi là cách khả thi chống cướp biển.
Trong đó, theo Homeland Security Today, các hệ thống xác định thân nhiệt bằng hồng ngoại là một lựa chọn phù hợp cho các tàu quan sát và tự bảo vệ.
Trong một số trường hợp, ông Mukundan nói nhà chức trách đặt nghi vấn thủy thủ đoàn tiếp tay cho các vụ cướp. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm trong vài năm gần đây, IMB chỉ đếm được 2 hay 3 vụ có sự tiếp tay như vậy mỗi năm. Ông nhấn mạnh các vụ cướp xảy ra phản ánh việc thực thi luật pháp trên biển trong khu vực còn thiếu.
Nhìn lại những gì diễn ra tại khu vực phía tây Ấn Độ Dương, nơi cướp biển Somalia từng hoành hành, các nỗ lực của quốc tế đã cho thấy những vụ cướp tại đây giảm đáng kể. Theo South China Morning Post, đây là kết quả của các nỗ lực tuần tra quân sự chung và canh gác có vũ trang.