Động thái này được đưa ra sau khi Philippines có ca thứ 8 tử vong vì virus chết người.
Bộ y tế Philippines ngày 14/3 đã ghi nhận ba trường hợp tử vong mới, trong đó có bệnh nhân ở miền nam Philippines, nâng tổng số người chết lên 8, theo Channel NewsAsia.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã nâng tình trạng khẩn cấp về sức khỏe của nước này lên mức cảnh báo cao nhất, đồng thời ban hành các biện pháp cách ly tại thủ đô, nơi sinh sống của ít nhất 12 triệu người.
Nếu tất cả các biện pháp được thực hiện với thủ đô Philippines, đây sẽ là một trong những nơi chịu sự áp đặt nghiêm ngặt nhất châu Á trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới. Đến nay, nó đã giết chết hơn 5.000 người trên thế giới, khiến hơn 145.000 người nhiễm bệnh.
Bé gái đeo khẩu trang đứng trên vỉa hè ở Manila, Philippines, hôm 12/3 khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước này. Ảnh: Reuters. |
“Để hạn chế sự lây lan của virus, chúng tôi cần hạn chế sự di chuyển của mọi người. Chúng tôi đang làm chậm lại sự di chuyển của người dân ở Metro Manila”, Jose Arturo Garcia, Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển vùng đô thị Metro Manila, nói trong một cuộc họp báo.
Trong bối cảnh đó, nhiều cư dân thủ đô đã đổ đến các trạm xe buýt và sân bay trước khi lệnh cấm du lịch có hiệu lực vào ngày mai, 15/3.
Tổng thống Duterte hôm 12/3 đã ban hành các hạn chế du lịch trên bộ và trên không đối với người đến và đi từ thủ đô, dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/3. Lệnh đóng cửa trường học kéo dài đến ngày 12/4.
Lệnh giới nghiêm vào ban đêm sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3 đến ngày 14/4, nhưng vẫn có ngoại lệ.
Các thị trưởng sẽ ban hành các sắc lệnh địa phương nhằm đóng cửa tạm thời trung tâm thương mại và cơ sở kinh doanh, ngoại trừ các cửa hàng thiết yếu như tạp hóa, ngân hàng và hiệu thuốc.
Quốc gia Đông Nam Á này đã có 64 ca nhiễm virus corona tính đến ngày 13/3.