Thu 300 triệu/năm nhờ 5 cây quýt tiều
Đến thăm vùng Bảy Núi, nhiều người thường được nghe câu chuyện về người đàn ông liều lĩnh, dám lập nghiệp bằng vườn quýt tiều độc nhất vô nhị trên núi Cấm.
Vượt hàng trăm mét đường núi lên vồ Bà Cửu (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang), chúng tôi ghé thăm vườn quýt tiều nổi tiếng của ông Trần Văn Tùng (Ba Tùng, 67 tuổi). Nhìn những cây quýt trái sai oằn nhánh, chúng tôi cứ tưởng đang đứng trong vườn quýt miệt Lai Vung (Đồng Tháp). Thấp thoáng sau những cây quýt trĩu quả, hơn 40 nhân công đang tất bật bẻ từng giỏ đầy để vận chuyển xuống núi. Năm nay, quýt hút hàng nên thương lái lên tận vườn thu mua.
Trúng mùa quýt, Ba Tùng cười tươi: “Tôi có tổng cộng 7 ha đất rừng, chủ yếu trồng vườn tạp. Riêng 4 ha, tôi chuyên canh quýt đường và quýt tiều. Vụ này, mỗi ha đạt năng suất bình quân 10 tấn, bán với giá 20.000 đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí, tôi còn lời tròm trèm 300 triệu đồng”.
Ông Ba Tùng vui mừng bên vườn quýt trúng mùa. |
Với 20 năm kinh nghiệm trồng quýt, ông Ba Tùng cho biết: “Vườn quýt cho trái trúng, thất xoay vòng theo các năm. Nếu năm nay quýt trúng thì sang năm năng suất sẽ thấp. Bởi vậy, tôi cũng không quá lo lắng. Cái quan trọng là mình chăm sóc sao cho cây phát triển tốt”. Dịp Tết Quý Tỵ vừa rồi, vườn quýt nhà ông cho trái to, đẹp, vị ngọt thanh nên người dân rất chuộng. Vừa thu hoạch xong, bạn hàng tại các chợ đầu mối chỉ mua trong vòng 3 ngày là hết sạch. Hiện nay, quýt của ông còn xuất sang tận thị trường Campuchia.
Làm giàu từ… 5 cây quýt
Nằm ở lưng chừng núi Cấm, có khí hậu mát mẻ quanh năm nên vườn quýt của Ba Tùng cho trái rất sai. Khách du lịch và bạn hàng khắp nơi nhận xét quýt của ông mang vị ngọt đặc trưng của vùng Thất Sơn mà chẳng nơi nào sánh bằng. Có được thành quả như ngày hôm nay, vợ chồng ông Ba Tùng phải đổ biết bao mồ hôi, công sức.
Ba Tùng kể hồi xưa, nhà ông nằm dưới chân núi, sống chủ yếu bằng nghề bán nước đá bào, mỗi ngày kiếm lời chỉ khoảng 100.000 đồng. Để kiếm thêm thu nhập nuôi sống gia đình, Ba Tùng còn đi cưa cây mướn. Tích cóp được mớ vốn, ông quyết định lên núi sang lại đất rừng. “Năm 1985, vùng đồi núi trên vồ Bà Cửu toàn cây sặc (họ sậy) mọc um tùm. Khi tôi lên đây mua đất và phát hoang trồng cây ăn trái thì ai cũng cho rằng tôi bị khùng”, ông nhớ lại. Thời điểm đó, núi Cấm là xứ “khỉ ho cò gáy”, ít người đặt chân tới mà thú rừng cũng nhiều vô kể. Khi phát hoang được cỏ thì gặp phải đá cục, đá hòn. Những đêm sáng trăng, vợ chồng ông phải cuốc dọn đá đến tận 9 -10 giờ tối. Làm đất xong, ông đem chuối, mãng cầu ta trồng lại bị heo rừng kéo bầy đến ủi ngã. Nhưng theo ông, cái khó nhất là nước tưới, vì vào mùa khô, nơi đây thường thiếu nước nên cây cối phát triển rất èo uột.
Thấy làm vườn đạt hiệu quả không cao, vợ chồng ông tính kêu bà con trong xóm đến sang lại đất để lấy tiền ngược lên Tây nguyên lập nghiệp. Tình cờ, Ba Tùng ra sau vườn dọn cỏ, thấy 5 cây quýt tiều được vợ mình gieo hạt tự nhiên đã cho trái oằn nhánh. Sau đó, Ba Tùng quyết định chiết cành, trồng xung quanh khu vườn. Tuy nhiên, để nắm được kỹ thuật trồng quýt tiều không phải dễ. Ba Tùng quyết tâm đi học hỏi khắp các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang để về áp dụng vào vườn quýt của mình.
Ba Tùng nhớ lại: “Những năm đầu, da quýt bị nám đen nên bán ế. Nhờ học thêm từ báo, đài cộng với chỉ dẫn của những kỹ sư đến đây du lịch nên vườn quýt hồng của tôi bắt đầu trúng dần qua các năm”. Hiện tại, ông đã đào 5 cái ô để trữ nước tưới quanh năm cho vườn quýt. Ba Tùng còn chia sẻ “bí quyết” để quýt ra trái đúng vào dịp Tết Nguyên đán: khoảng tháng 3 âm lịch, ông bắt đầu chăm sóc, phun thuốc kích thích để cây ra hoa kết trái, kéo dài 10 tháng là vườn quýt cho thu hoạch.
Nhờ siêng năng, cộng với tính chịu khó học hỏi mà giờ đây, Ba Tùng đã biến mảnh đất khô cằn, sỏi đá thành vườn quýt tiều rộng lớn và nức tiếng gần xa.
Theo Thanh Niên