"Nếu ông không gửi tiền để mua thực phẩm, ông nên cử binh lính và cảnh sát, bởi nếu không, nạn cướp bóc có thể sẽ nổ ra ở đây", AP dẫn lời ông Arthur `Yap - Thống đốc tỉnh Bohol nằm ở miền Trung Philippines - trả lời phỏng vấn hôm 21/12.
Ông Yap cho biết một số vụ cướp bóc xảy ra chủ yếu ở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa nhỏ, nhưng nhìn chung tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng cướp bóc sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu người dân, đặc biệt là ở các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề, cảm thấy bế tắc, ông nói.
Nhiều người trong số 1,2 triệu cư dân vẫn phải chịu cảnh mất điện và dịch vụ di động 5 ngày sau khi cơn bão quét qua khiến họ ngày càng tuyệt vọng. Do không kết nối được với mạng và nguồn điện, người dân không thể rút tiền từ ngân hàng. Thiếu nhiên liệu và nước cũng là vấn đề nan giải.
Thống đốc Yap cho biết viện trợ gạo và các loại lương thực khác có thể sẽ không được đảm bảo bởi quỹ dự phòng đã cạn kiệt. Ông nói thêm rằng bộ phận phúc lợi xã hội của chính phủ hứa sẽ gửi 35.000 gói thực phẩm - số lượng không đủ cho khoảng 375.000 gia đình của tỉnh - nhưng gói hàng đó vẫn chưa tới.
5 ngày sau khi cơn bão quét qua, nhiều người vẫn chịu cảnh mất điện và dịch vụ di động. Ảnh: AP. |
Cảnh sát quốc gia cho biết tình trạng cướp phá tràn lan không phải là vấn đề ở các khu vực bị bão tàn phá, khẳng định họ sẵn sàng đối phó với mọi hành vi bất hợp pháp.
Theo các quan chức, siêu bão Rai - cơn bão mạnh nhất đổ bộ Philippines trong năm nay, chủ yếu tàn phá khu vực miền Trung và miền Nam - đã khiến ít nhất 375 người thiệt mạng, 56 người khác mất tích và 500 người bị thương. Trong số đó, tỉnh Bohol có tới 100 người chết.
Gần một triệu người bị ảnh hưởng bởi cơn bão, trong đó có hơn 400.000 đã phải sơ tán và chuyển tới nơi trú ẩn khẩn cấp. Hoạt động cứu hộ vẫn đang tiếp diễn nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận một số khu vực.
Ông Duterte cho biết quỹ khẩn cấp của chính phủ - chủ yếu sử dụng cho đại dịch Covid-19 - sẽ được huy động 40 triệu USD để cung cấp vào quỹ của các tỉnh bị Rai tàn phá.
Philippines hiện chưa kêu gọi sự trợ giúp quốc tế. Tuy nhiên, Nhật Bản đã gửi máy phát điện, lều cắm trại, đệm ngủ, thùng chứa nước và tấm lợp đến các vùng bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi Trung Quốc tuyên bố cung cấp 20.000 gói lương thực và gạo.