Đây là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, diễn ra ngày 4/7.
Đánh giá về tình hình nửa đầu năm qua, Thống đốc cho biết NHNN đã theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế vĩ mô và bám sát chỉ đạo của Chính phủ để điều hành linh hoạt, duy trì thanh khoản, sẵn sàng nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng cấp tín dụng ra nền kinh tế.
Tính đến ngày 27/6, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 4,03% so với đầu năm và tăng 9,08% so với cùng kỳ năm trước.
Gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội đã bắt đầu giải ngân
Đáng chú ý, về cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm đã tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản cùng giai đoạn này lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. “Hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp. Bởi vậy, việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản”, Thống đốc nói.
Về mặt bằng lãi suất, Thống đốc NHNN cho biết sau liên tiếp các lần hạ lãi suất điều hành vừa qua, hiện lãi suất đã trở về mức trước đại dịch Covid-19. NHNN cũng là một trong số ít ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất trong bối cảnh các nước vẫn giữ lãi suất ở mức cao (tính đến 15/6, trên toàn thế giới vẫn ghi nhận 101 lượt tăng lãi suất điều hành).
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội đã được các ngân hàng cho vay ra. Ảnh: T.L. |
Liên quan gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, Thống đốc NHNN cho biết đã nhận được 3 công văn công bố 15 dự án của các tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh, trong đó có 5 dự án đã được cấp phép xây dựng. Ngoài ra, 3 địa phương là Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã công bố 9 dự án.
“Các địa phương cấp phép xây dựng và các dự án cũng sẵn sàng được các tổ chức tín dụng cho vay. Đến nay, đã có một số ngân hàng như BIDV, Argibank bắt đầu cho vay trong gói tín dụng này”, Thống đốc thông tin.
Cần thêm giải pháp để thúc đẩy tín dụng
Liên quan vấn đề thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo NHNN cho biết tăng trưởng kinh tế quý II cải thiện có đóng góp quan trọng của khu vực thương mại và dịch vụ. Do đó, việc khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện cầu nước ngoài đang yếu là hướng đi đúng.
Trong trung và dài hạn, để tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra, cần tiếp tục tập trung khai thác động lực này.
Thống đốc nhấn mạnh tăng tiếp cận tín dụng đang là vấn đề được quan tâm. Về phía nhà điều hành, NHNN đã và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp.
Với thị trường bất động sản, cần giải quyết vấn đề pháp lý cũng như các doanh nghiệp cần điều chỉnh giá của bất động sản
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Tuy nhiên, Thống đốc cũng kiến nghị cần có thêm các giải pháp từ phía các cơ quan, bộ ngành khác. Chẳng hạn như giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại; khai tác thị trường trong nước; cải thiện về điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác…
Với thị trường bất động sản, cần giải quyết vấn đề pháp lý cũng như các doanh nghiệp cần điều chỉnh giá của bất động sản.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục, hồ sơ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Ngoài ra, nhà điều hành cũng đang xem xét sớm thông báo tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Tại phiên họp của Chính phủ, NHNN đã lắng nghe ý kiến của một số địa phương như Bắc Giang và Cà Mau cho biết doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Thống đốc mong muốn lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành cho biết cụ thể các doanh nghiệp nào không vay được vốn, không vay được ở ngân hàng nào. Qua đó, NHNN sẽ chỉ đạo Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh tổ chức hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, qua đó xác định rõ nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.