Cư dân Beirut thức dậy hôm 5/8 giữa cảnh tượng tan hoang như thời chiến sau vụ nổ lớn tại cảng khiến ít nhất 100 người thiệt mạng, nhà cửa kho bãi đổ sập và đường phố đầy mảnh vỡ.
Cảng biển ở Beirut, thủ đô Lebanon, biến thành bình địa do vụ nổ xảy ra hôm 4/8. Đây là vụ nổ lớn nhất từng được ghi nhận tại thành phố này, theo AP. Thống đốc Beirut Marwan Aboud hôm 5/8 cho biết phạm vi thiệt hại bởi vụ nổ rộng đến hơn một nửa thành phố, với con số thiệt hại ước tính là 3 đến 5 tỷ USD, AFP cho hay. Ngoài ra, khoảng 250.000 đến 300.000 người ước tính rơi vào tình cảnh vô gia cư vì vụ nổ, theo ông Aboud.
Nguyên nhân gây nổ chưa được làm rõ. Giới chức Lebanon nói vụ nổ xuất phát từ nhà kho chứa 2.700 tấn ammonium nitrate, nguyên liệu làm phân bón, bị tịch thu từ một con tàu hàng vào năm 2014.
Đến sáng 5/8, khói vẫn bốc lên từ hiện trường bên bờ Địa Trung Hải, nơi các silo lúa mì bị biến thành đống đổ nát. Cảnh tượng gợi nhắc ký ức về cuộc nội chiến vốn kết thúc chưa bao lâu tại nước này (1975-1990).
Một quan chức Hội Chữ Thập Đỏ Lebanon nói ít nhất 100 người đã thiệt mạng và hơn 4.000 người bị thương, nhưng con số thương có thể tiếp tục tăng.
"L’Apocalypse" (Tận thế) là dòng chữ in trên trang nhất tờ báo tiếng Pháp L’Orient Le Jour của Lebanon. Một tờ báo khác, al-Akhbar, đăng tấm hình cảng biển bị tàn phá với mô tả "The Great Collapse" (nghĩa đen: vụ sụp đổ lớn).
Lebanon đã đứng bên bờ vực trong những tháng qua vì khủng hoảng kinh tế dẫn đến các cuộc biểu tình lớn. Các bệnh viện tại đất nước cũng đang chật vật ứng phó với số ca nhiễm virus corona gia tăng.
Một nhà hàng gần hiện trường vụ nổ bị hư hại. "Đó thực sự là một bộ phim kinh dị. Tôi chưa từng thấy điều gì như thế từ những ngày nội chiến", Marwan Ramadan, sống cách cảng 500 mét, nói về vụ nổ.
Một trạm xăng gần hiện trường bị hư hại. Theo phân tích của chuyên gia, vụ nổ có sức công phá ngang 240 tấn thuốc nổ TNT.
Vụ nổ đã phá hủy hàng loạt tòa nhà chung cư, có thể khiến một lượng lớn người không có chỗ ở lúc này.
Vụ nổ cũng làm dấy lên quan ngại về việc làm thế nào Lebanon có thể tiếp tục nhập khẩu gần như mọi hàng hóa thiết yếu của họ khi cảng biển chính đã bị tàn phá.
Vấn đề an ninh lương thực cũng được đặt ra, khi 85% lượng ngũ cốc của Lebanon được lưu trữ tại cảng biển này.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Thương mại Raoul Nehme, toàn bộ số lúa mì tại đây đã bị "ô nhiễm" và không thể sử dụng. Dù vậy, ông khẳng định đất nước vẫn đáp ứng được nhu cầu lúa mì trước mắt.
Lebanon đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ. Theo thống kê chính thức, gần một nửa dân số đất nước này sống dưới ngưỡng nghèo và 35% người dân không có việc làm.
Vào tháng 3, lần đầu tiên trong lịch sử, Lebanon tuyên bố họ không thể trả được nợ. Nợ quốc gia của nước này là 92 tỷ USD - gần 170% GDP - một trong những tỷ lệ nợ cao nhất thế giới.
Tổng thống Bashar al-Assad, người cầm quyền Syria với "bàn tay sắt" trong hơn hai thập kỷ, đã âm thầm bỏ trốn trong màn đêm, bỏ lại sau lưng những nhân viên trung thành chờ đợi bài phát biểu không bao giờ được ghi hình.
Tổng thống Biden ngày 23/12 giảm án cho 37 tử tù. Quyết định này được đưa ra chỉ một tháng trước khi ông Trump nhậm chức với lời hứa khởi động lại các vụ hành quyết liên bang.