Washington Post ngày 27/7 đã đăng lại chia sẻ của những người đứng đầu 3 nhóm chính trị hợp nhất lên đảng Forward (“Tiến về phía trước”), lần lượt là cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa David Jolly, cựu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Andrew Yang và cựu Thống đốc New Jersey Christine Todd Whitman.
Các lãnh đạo đảng sẽ tổ chức chuỗi sự kiện ở hơn 20 thành phố vào mùa thu này để triển khai cương lĩnh chính trị và kêu gọi ủng hộ. Họ dự kiến tổ chức sự kiện thành lập đảng chính thức tại thành phố Houston vào ngày 24/9.
Trong bài viết, họ cho biết chủ nghĩa cực đoan chính trị đang chia rẽ nước Mỹ, trong khi hai đảng lớn không thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng.
Tuần trước, Ủy ban Chọn lọc Hạ viện điều tra cuộc tấn công ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol đã khiến người Mỹ hồi tưởng lại một trong những ngày đen tối nhất của lịch sử nước này. Cuộc bạo loạn, nhằm đảo ngược kết quả bầu cử, là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy một nền dân chủ đang dần suy yếu, theo các tác giả bài viết.
Trên thực tế, sự phân cực đang khiến các mối đe dọa chính trị gia tăng. Trong hai năm qua, nước Mỹ đã chứng kiến những lời đe dọa giết người và âm mưu ám sát, chống lại các thành viên Quốc hội, thống đốc, thẩm phán Tòa án Tối cao và thậm chí cả phó tổng thống.
Đó là lý do tại sao hàng chục cựu quan chức đảng Cộng hòa và Dân chủ đang làm việc để cùng nhau xây dựng một chính đảng mới, thống nhất cho đa số người Mỹ - những người muốn xóa bỏ sự chia rẽ trong quá khứ và loại bỏ chủ nghĩa cực đoan.
Ông Andrew Yang từng là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Ảnh: Reuters. |
Thời thế thay đổi
Người Mỹ đang mất niềm tin vào chính phủ. Theo cuộc khảo sát gần đây, gần 8/10 người nói rằng đất nước đang đi sai hướng, và 2/3 nhận định cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều không có những ưu tiên đúng đắn.
Đáng kinh ngạc hơn, khoảng 30 triệu người Mỹ tin rằng bạo lực chống lại chính phủ hiện tại là chính đáng.
Theo các nhà chính trị, điều này là những gì sẽ xảy ra trong một nền dân chủ thất bại: Người dân cảm thấy tiếng nói của họ không được lắng nghe và trở nên cực đoan hóa, dẫn đến câu chuyện về “nội chiến”.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng như vậy? Theo các nghị sĩ, trong một hệ thống bị chia rẽ bởi hai thái cực, lựa chọn mới cần phải xuất hiện.
Nước Mỹ cần một chính đảng mới - một đảng với khuynh hướng chính trị ôn hòa, phản ánh cho nguyện vọng của đa số. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hầu hết người Mỹ không còn cảm thấy các đảng cũ đại diện cho tư tưởng của họ.
Trong quá khứ, các đảng thứ ba thường không thể phát triển trong hệ thống lưỡng đảng của Mỹ. Hầu hết đều có xu hướng thất bại bởi sự hạn hẹp về mặt ý thức hệ hoặc không thu hút được quan tâm của người dân.
Thế nhưng, giờ đây, bối cảnh đã khác. Các cử tri Mỹ đang khao khát thành lập một đảng mới hơn bao giờ hết, bài viết nhấn mạnh.
Cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol là bằng chứng cho thấy một nền dân chủ đang dần suy yếu. Ảnh: Pacific Press. |
Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, khoảng một nửa người Mỹ tự coi mình là “đảng độc lập”, trong khi 2/3 cho rằng cần có một đảng mới (và họ sẽ bỏ phiếu cho nó). Thậm chí, phần lớn thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng nói rằng họ cũng muốn có một lựa chọn khác.
Thách thức "cuộc đua song mã"
Theo các nhà lãnh đạo của đảng mới, hai đảng lớn (Cộng hòa và Dân chủ) đang “đục rỗng” trung tâm của hệ thống chính trị, bất chấp mong muốn thay đổi của các cử tri.
Vì vậy, Forward sẽ nằm ở giữa khoảng trống mà hai đảng cũ tạo ra. Đối với mọi vấn đề mà quốc gia phải đối mặt, Forward sẽ tìm thấy một cách tiếp cận hợp lý mà hầu hết người Mỹ đều đồng ý.
Đó là những vấn đề còn gây tranh cãi như kiểm soát súng đạn. Hầu hết người Mỹ không đồng ý với lời kêu gọi tịch thu tất cả súng của đảng Dân chủ. Nhưng họ cũng lo lắng về tình trạng bạo lực khi đảng Cộng hòa kiên quyết loại bỏ luật sở hữu súng và cho rằng đây là quyền tự do của mỗi cá nhân.
Hay về vấn đề phá thai, hầu hết người Mỹ không đồng ý với quan điểm cực đoan của phe cánh tả (Dân chủ) về việc phá thai muộn. Nhưng họ cũng lo lắng trước hành động của phe cực hữu (Cộng hòa) khi biến sự lựa chọn của phụ nữ trở thành tội phạm hình sự.
Một cuộc biểu tình chống bạo lực súng đạn ở Washington. Ảnh: Reuters. |
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của một đảng mới là phá bỏ rào cản giữa các cử tri và đưa ra cho họ thêm nhiều lựa chọn hơn.
Đảng Forward sẽ được thành lập dựa trên sự hợp nhất của ba nhóm chính trị dần nổi lên trong những năm qua nhằm phản ứng trước việc hệ thống chính trị Mỹ ngày càng phân cực và bế tắc.
Ba nhóm trên là Phong trào Đổi mới Mỹ - do hàng chục cựu quan chức dưới thời các chính quyền Cộng hòa như Ronald Reagan, George H. Bush, George W. Bush và Donald Trump lập ra năm 2021, đảng Forward - do ông Yang thành lập, và đảng Phong trào Phụng sự nước Mỹ - do cựu Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa David Jolly thành lập.
Theo những người sáng lập, người Mỹ thuộc mọi phe phái - từ đảng Dân chủ, Cộng hòa hay thậm chí là “độc lập” - đều có thể tham gia mà không phải từ bỏ các đảng phái chính trị của họ.
Hai trụ cột trong cương lĩnh của đảng mới là "phục hồi một nền kinh tế công bằng, hưng thịnh" và "mang lại cho người Mỹ nhiều lựa chọn hơn trong các cuộc bầu cử, tin tưởng hơn vào một chính phủ".
Họ cho biết thêm đây mới chỉ là điểm khởi đầu, là bệ phóng cho phong trào. Các nhà lãnh đạo đảng mới đang lên kế hoạch khởi tranh tại cuộc bầu cử Quốc hội và sẽ sớm tìm cách tiếp cận lá phiếu của từng tiểu bang để tranh cử tổng thống vào năm 2024.
“Những người sáng lập nước Mỹ đã cảnh báo về sự nguy hiểm của hệ thống lưỡng đảng. Và ngày nay, chúng ta đang sống với những hậu quả thảm khốc đó", các lãnh đạo của đảng mới cho biết. “Mang đến cho người Mỹ nhiều lựa chọn hơn không chỉ giúp giảm bớt sự phân cực chính trị. Cuộc sống và sinh kế của người Mỹ phụ thuộc vào điều này”.