Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thông điệp gửi thế hệ 8X và 9X của Jack Ma

Trong một cuộc gặp gỡ giới trẻ, tỷ phú Jack Ma (Mã Vân) đã có những chia sẻ đầy cảm hứng về niềm hy vọng với thế hệ 8X và 9X.

Bài phát biểu có tựa đề Mã Vân diễn giải: Mặt đối mặt với các bạn trẻ được in trong cuốn "Mã Vân giày vải" của 2 tác giả Vương Lợi Phân và Lý Tường vừa được ra mắt bản tiếng Việt vào tháng 10/2015. Cuốn sách nói về cuộc đời và bí quyết thành công của tỷ phú Jack Ma.

Zing.vn trích đăng một đoạn trong bài phát biểu này: 

"Từ một hội nghị được tổ chức vào năm kia cho đến nay, tôi liên tục phải nghe những lời phàn nàn, lo lắng, oán hờn, trách móc của xã hội về thế hệ 8x và 9x, cảm thấy họ không còn hy vọng, là một thế hệ bỏ đi. Nhưng điều khiến tôi suy nghĩ là người của Alibaba, người của Taobao, người của Zhifubao, người của Tengxun, người của Baidu đều là những người thuộc thế hệ 8x, chính họ đã xây dựng nên những công ty này. Tôi vững tin một cách tuyệt đối rằng, thế hệ 8X của chúng ta sẽ trưởng thành, tài giỏi và tràn đầy hy vọng hơn những người thuộc thế hệ 7X, 6X hay 5X.

Ông nội tôi thuở trước hiểu biết về thế giới qua những trang sách báo; thế hệ của cha tôi thì tin tưởng những điều mắt thấy tai nghe, họ hiểu thế giới thông qua những chiếc radio; còn thời đại của các bạn, và những thời đại sau đó thì thông qua internet. Các bạn nói với chúng tôi rằng: “Chúng tôi không muốn người khác nói cho chúng tôi biết, mà chúng tôi muốn tự mình tham gia.” Đây chính là sự tiến bộ của xã hội. Ông nội tôi cho rằng bố tôi không bằng ông, còn bố tôi lại luôn cho rằng tôi không bằng bố, nhưng thời đại của chúng tôi đã đạt được rất nhiều thành tựu.

Tỷ phú Jack Ma.

Tôi cảm thấy thế hệ 8X, 9X chính là sản phẩm của chúng ta, chúng ta không có bất cứ lý do, quyền lợi và trách nhiệm gì để phê phán sản phẩm của chính mình, quyền lợi và trách nhiệm duy nhất mà chúng ta có chính là hoàn thiện sản phẩm của chúng ta. Tất cả mọi người trong xã hội đều đang oán trách, đều đang than vãn, đều nói rằng không có cơ hội, đều nói rằng chính phủ không ổn, cái này không tốt, cái kia không tốt. Hôm nay, mọi người hãy thử nhìn ra ngoài xã hội một chút, bạn có thừa nhận hay không, nếu thực sự nhìn vào các con số dữ liệu, các quan chức ngày nay rõ ràng tài giỏi, liêm chính hơn 10 năm trước. Các doanh nhân của ngày nay rõ ràng giỏi giang và gách vác trách nhiệm tốt hơn 10 năm trước. Các thầy cô giáo đại học bây giờ cần cù và có nền tảng kiến thức chuyên ngành tốt hơn 10 năm trước. Bệnh viện ngày này cũng tốt hơn nhiều so với 10 năm trước.

Nhưng những điều chúng ta nhìn thấy là gì? Chúng ta nhìn thấy đâu đâu cũng là tham quan, doanh nhân thì lừa đảo, giáo sư bị bắt vì đạo bằng, đạo luận văn, bệnh viện bị phát hiện thiếu trách nhiệm. Thế nhưng xã hội đang tiến bộ, chúng ta phải nhìn nhận tương lai bằng một thái độ tích cực lạc quan. Trong thời đại của tôi, khi tôi 20 tuổi, 30 tuổi tôi cũng từng oán thán, tại sao bố tôi không có địa vị, tại sao bố tôi không phải là cục trưởng; tại sao cậu tôi không làm trong ngân hàng; tại sao tôi đi xin việc ở 30 nơi mà không có ai chịu nhận tôi vào.

Tôi cũng từng oán trách, nhưng đứng yên một chỗ oán trách thì có ích gì? Sau này tôi đã trở thành một người không bao giờ oán trách trong thời đại của mình. Tôi tin tưởng rằng khi tôi 20 tuổi, 30 tuổi, thời đại đó không phải là của tôi. Tôi tin tưởng rằng sau khi tôi 40 tuổi mới là thời đại của chúng tôi, vì thời đại 40 tuổi này, bắt đầu từ năm 20 tuổi, tôi đã tích cực tìm kiếm những điều tiến bộ trong xã hội, tìm kiếm tương lai, hoàn thiện chính mình, chứ không phải là oán trách người khác hay viện cớ lý lẽ.

Cuốn "Mã Vân giày vải" của 2 tác giả Vương Lợi Phân và Lý Tường.

Tôi cảm ơn mọi người đã đến giao lưu trong buổi tối ngày hôm nay, vì các bạn đã đến, điều đó cũng có nghĩa là mỗi người ở đây đều đang quan tâm đến tương lai. Ai đó có thể sẽ nói rằng bạn không biết tương lai của mình là gì, đó là chuyện thường. Khi tôi ở độ tuổi của các bạn, tôi cũng không biết, năm 30 tuổi tôi cũng không biết, khi tôi bắt đầu lập nghiệp và gây dựng nên Alibaba, đó chỉ là một ước mơ, chỉ là một lý tưởng. Cho đến ngày hôm nay, càng ngày tôi càng hiểu rõ rằng mình phải làm gì, vì vậy, tôi nghĩ rằng không biết cũng không sao, nhưng phải có lý tưởng trong tim mình, nói rằng mình sẽ tìm thấy nó. Chúng ta vẫn đang không ngừng suy xét về những vấn đề này, mọi người nói rằng rốt cuộc xã hội sẽ thế nào đây, những điều mắt thấy tai nghe toàn là xấu xa tệ hại, nhưng tôi tin tưởng những người đang ngồi đây và những người đang theo dõi trên internet ngày hôm nay, nếu nhìn thấy những mặt tích cực của xã hội, bạn sẽ vĩnh viễn nhìn thấy những điều lạc quan, thay đổi chính bản thân mình, bạn mới có thể thành công. Mười năm vừa qua, thứ duy nhất mà tôi không từ bỏ chính là lý tưởng đối với tương lai, sự quan tâm đối với người khác, nhưng tôi đã vứt bỏ rất nhiều thói quen của mình, con người tôi chính là như vậy, cả bên trong và bên ngoài.

Vì vậy, bao gồm cả những câu hỏi vừa đặt ra ban nãy, những câu hỏi này có lẽ đều không có lời giải đáp, đáp án này nhất định bạn phải dùng cuộc sống của mình để chứng minh nó, điều gì bạn cảm thấy đúng thì hãy cứ làm. Khi lập nghiệp luôn luôn phải lựa chọn những việc dễ dàng nhất và thích làm nhất. Lập nghiệp không phải để kiếm tiền, mà vì bạn thích nó, bạn thích công việc này, bạn thích làm việc này, đó là sự hăng hái lớn nhất, là động lực lớn nhất. Nếu như để kiếm tiền, thì vĩnh viễn sẽ có những thứ kiếm được nhiều tiền hơn bạn nghĩ. Bạn lựa chọn là bởi bạn thích, bạn thích thì không được mở lời oán trách. Chúng ta có thể phê phán thế giới này, nhưng tôi ghét những ai hay nói rằng xã hội Trung Quốc không được thế này, thế kia. Các bạn nhất định sẽ thay chúng tôi tìm thấy tương lai. Những vấn đề của Trung Quốc ngày nay, tất cả mọi vấn đề, 60 năm trước Trung Quốc từng có, 50 năm trước Trung Quốc cũng từng có, 40 năm trước Trung Quốc vẫn từng có, 600 năm nữa Trung Quốc vẫn sẽ có, thế giới này phong phú đặc sắc chính là vì những thứ này.

Không phải mỗi một bạn trẻ 8x, 9x đều sẽ thành công, nhưng sẽ có người thành công. Không phải ai thuộc thế hệ 6x cũng thành công, nhưng đã có người thành công. Vậy ai sẽ thành công? Nếu như bạn cần cù, bạn cống hiến, bạn hoàn thiện chính mình, bạn thay đổi bản thân để tạo sức ảnh hưởng lên người khác, để hoàn thiện xã hội, bạn sẽ có thể thành công. Tôi không phải một nhà “thành công học”, tôi không thích theo đuổi “thành công học”, tôi chỉ nhìn xem người khác thất bại thế nào, rồi từ thất bại của họ đúc rút ra những điều mà tôi không nên làm, từ những thành công của họ suy nghĩ xem vì sao họ lại thành công. Tôi phải học theo sự thành công của họ, hay là học theo tinh thần của họ? Vì vậy không có điều gì phải oán thán, thẳng thắn nhìn xem bản thân mình có những gì? Muốn những gì? Dám vứt bỏ cái gì?"

 

M.V

Bạn có thể quan tâm