Hãng thông tấn Kyodo cho hay Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã chính thức gửi thư đến Nhật Bản và các thành viên khác của TPP thông báo chính thức việc rút khỏi hiệp định.
Hành động này dọn đường cho chính quyền Tổng thống Donald Trump theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương được cho là có lợi cho giới lao động và nền sản xuất Mỹ, phù hợp với tôn chỉ "Nước Mỹ trên hết" mà ông Trump tuyên bố trong diễn văn nhậm chức.
Theo Kyodo, tân tổng thống Mỹ dường như nóng lòng muốn đàm phán với Tokyo về một thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước khi ông gặp Thủ tướng Shinzo Abe tại Washington vào ngày 10/2 tới.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi hiệp định TPP tại Nhà Trắng hôm 23/1. Ảnh: AFP. |
Hôm 23/1, chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh chính thức rút Mỹ khỏi TPP, thực hiện cam kết ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Ông khẳng định sắc lệnh này là "điều tuyệt vời cho người lao động Mỹ".
Quyết định này thể hiện quan điểm bảo hộ thương mại của ông Trump, đồng thời đi ngược lại hàng thập kỷ nỗ lực của các tổng thống Mỹ muốn tìm cách giảm thiểu các rào cản thuế quan và tăng cường kết nối với kinh tế toàn cầu.
Với quy mô chiếm tới 40% GDP toàn cầu, TPP từng là trụ cột của chính sách "tái cân bằng", chuyển hướng sang châu Á trong 8 năm cầm quyền của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Mỹ và 11 nước châu Á - Thái Bình Dương đã bỏ ra rất nhiều thời gian và nguồn lực chính trị để đàm phán hiệp định này.
Việc Washington rút khỏi TPP được xem là cú sốc lớn đối với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực, từng coi hiệp định này là bản lề cho một trật tự thương mại mới sau khi các định chế như WTO tỏ ra bế tắc sau nhiều vòng đàm phán.