Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế trong nước có dấu hiệu chững lại, chiến tranh thương mại là điều Chủ tịch Tập Cận Bình không hề mong muốn. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang muốn sự ổn định và một tương lai có thể dự báo.
Thực tế lại diễn ra theo chiều hướng trái ngược. Trung Quốc lo ngại rằng nếu ông Trump sẵn sàng gạt đi nỗ lực đàm phán trong nhiều năm và chính sách thương mại trong nhiều thập kỷ, ông cũng sẽ chẳng ngại giải quyết các vấn đề với Bắc Kinh theo cách riêng của mình.
Ngay trong ngày tổng thống Mỹ rút khỏi TPP, người phát ngôn của Trump tuyên bố Mỹ sẽ ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Lời đe dọa được một tờ báo của Trung Quốc cảnh báo là có thể đồng nghĩa với chiến tranh.
Sẵn sàng 'ăn miếng trả miếng'
"Điều này cho thấy ông Trump nói là làm", Deng Yuwen, một nhà bình luận về các vấn đề chính phủ tại Bắc Kinh, nhận định trên New York Times.
"Với các tổng thống trước đây, những lời hứa tranh cử của họ không được thực hiện một cách nghiêm túc. Điều đó có nghĩa Trung Quốc phải nghiêm túc hơn khi xem xét những lời cảnh báo khác của ông ấy, đặc biệt là về Biển Đông và Đài Loan", ông nói thêm.
Mục tiêu của ông Trump khi phá bỏ hiệp định thương mại này là để bảo vệ việc làm và các doanh nghiệp Mỹ. Các quan chức thương mại của ông lập luận rằng thỏa thuận này không đủ để giúp Mỹ hay để kiềm chế Trung Quốc, quốc gia không được mời tham gia TPP.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP vào ngày 23/1. Ảnh: NYT. |
Theo các chuyên gia, bằng việc giết chết thỏa thuận nhằm nâng cao vị thế của Mỹ đối với khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, ông Trump đã để lại một khoảng trống mà Chủ tịch Tập Cận Bình sẵn lòng thế chỗ để lấp vào.
Tuần trước, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Tập có ám chỉ rằng khi Mỹ rút lui, Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để lãnh đạo tự do thương mại và bảo vệ môi trường toàn cầu.
Cái kết của TPP có khả năng khiến Trung Quốc thúc đẩy nhanh hơn hiệp định thương mại thay thế mà nước này đóng vai trò trung tâm - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Thỏa thuận này không bao gồm Mỹ và sẽ làm giảm hoặc loại bỏ thuế quan thương mại giữa Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
RCEP cũng bao gồm một số điều khoản tương tự TPP như bảo vệ môi trường và các công đoàn lao động độc lập, đòi hỏi doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động giống với các doanh nghiệp thương mại hơn.
Kết thúc của TPP chưa phải là lời cuối của Trump với Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Các quan chức thương mại của ông nói rằng họ trông đợi có thể tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, đổi lại hàng hóa Trung Quốc sẽ có thể thâm nhập dễ dàng hơn vào Mỹ.
Có vẻ như họ đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thương mại, mở rộng những chính sách thuế quan ăn miếng trả miếng và các hạn chế khác để có được điều mình muốn.
Các quan chức thương mại của ông Trump đe dọa sẽ áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu với các sản phẩm chủ yếu được trợ cấp như thép và nhôm được nhập khẩu vào Mỹ.
"Tôi thấy hơi kỳ lạ khi chúng ta có mức thuế rất thấp trong khi Trung Quốc lại có mức thuế rất cao," Wilbur Ross, ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Thương mại, phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện tuần trước.
Trung Quốc chuẩn bị đáp trả
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã có những sự chuẩn bị riêng. Wu Xinbo, giám đốc nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Fudan, Thượng Hải, cho biết nếu đây là một cuộc chiến thương mại, Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu máy bay Boeing và các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.
"Chúng tôi có thể chuyển sang nhập khẩu của châu Âu, Australia và Canada. Khoảng 20 đến 30 tiểu bang ở Mỹ có hành lang nông nghiệp lớn và các nhà máy của Boeing sẽ gây áp lực lên Quốc hội", ông nói.
James Zimmerman, chuyên gia kinh tế Mỹ làm việc nhiều năm tại Trung Quốc, cũng đồng tình với quan điểm này.
"Trung Quốc coi Trump như một con hổ giấy. Ông ấy sẽ lùi bước khi gặp các vấn đề khó khăn và phức tạp không thể thương lượng được. Người Trung Quốc cũng biết Trump sẽ không dại gì gây ra chiến tranh thương mại để chọc giận cộng đồng doanh nghiệp Mỹ", Zimmerman nhận định.
Ông Tập Cận Bình thăm nhà máy lắp ráp máy bay Boeing ở Seattle, Mỹ, năm 2015. Ảnh: NYT. |
Ông Bilahari Kausikan, đại sứ lưu động của Singapore, lại cho rằng nếu chiến tranh thương mại xảy ra, cả 2 bên đều chịu tổn thất nhưng Trung Quốc sẽ là nước bị thiệt hại nhiều hơn, đặc biệt là về mặt an ninh.
Vài tháng tới, khi ông Tập Cận Bình tập trung vào việc lựa chọn thành viên mới của Ủy ban Thường vụ cầm quyền cho nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2 của mình, Trung Quốc sẽ trải qua một giai đoạn chính trị đặc biệt căng thẳng. Bất ổn kinh tế là điều ông không hề mong muốn.
Tuy nhiên, tình hình căng thẳng hiện nay với Mỹ ít nhất có thể tăng cường quyền lực chính trị trong nước của ông Tập.
Minxin Pei, giáo sư tại Đại học Claremont McKenna, California, nhà nghiên cứu về chính trị Trung Quốc và quan hệ Mỹ - Trung cho rằng về ngắn hạn, điều này sẽ giúp chính phủ Trung Quốc nhận được sự ủng hộ nhiều hơn của công chúng.
"Điều này sẽ có lợi cho ông Tập. Bởi vì bất cứ khi nào có mối đe dọa từ nước ngoài, các quan chức Trung Quốc lại có xu hướng tập hợp quanh nhà lãnh đạo đứng đầu đất nước", ông Pei nhận định.