Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Australia tiếp tục thúc đẩy TPP dù Mỹ đã rút lui

Australia đang dẫn đầu nỗ lực của nhiều nước để cứu vãn Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Tổng thống Mỹ Trump chính thức rút lui khỏi thỏa thuận này.

Theo Bloomberg, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói rằng ông đã thảo luận về thỏa thuận này với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe và hội đàm với các nhà lãnh đạo của New Zealand và Singapore vào tối 23/1.

"Tất cả chúng tôi đang làm việc để tìm cách tiếp tục duy trì được đà này để hướng tới các thị trường mở và tự do thương mại", ông Turnbull nói với các phóng viên vào ngày 24/1 tại Sydney.

"Việc Mỹ rút khỏi TPP là một mất mát lớn. Đây là điều không phải bàn cãi. Nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ cam kết đối với vấn đề việc làm của Australia".

Australia thuc day TPP anh 1
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ảnh: Australian Financial Review

Thiếu sức hút khi không có Mỹ

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump cam kết sẽ phá bỏ TPP, đổ lỗi cho các hiệp định thương mại đã lấy đi việc làm của nước Mỹ. Các nước châu Á trong đó có Nhật Bản đã thực hiện nỗ lực cuối cùng để thuyết phục ông về giá trị của hiệp ước này.

Việc đạt được thỏa thuận mà không có Mỹ sẽ rất khó khăn. Theo Jayant Menon, chuyên gia kinh tế về thương mại và hợp tác khu vực tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), việc một thị trường lớn như Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ làm giảm sức hút của nó đối với các thành viên còn lại. Các nước thành viên sẽ khó có thể đồng ý với các điều khoản của TPP giống như trước đây.

Menon cho rằng những nỗ lực của Australia chỉ là để "giữ thể diện". "Tất cả các nước đều lúng túng khi thành phần dẫn dắt thỏa thuận này, quốc gia đã rất nỗ lực để thúc đẩy hiệp định, lại là người từ bỏ nó".

Đến nay, mọi việc đều chưa rõ ràng. Trả lời các phóng viên tại Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Koichi Hagiuda nói rằng Nhật Bản hiện chưa cân nhắc về một TPP thiếu Mỹ. Trong số 12 nước thành viên, tổng sản phẩm nội địa của 2 nước này chiếm tới hơn 75%.

"Chúng tôi muốn tiếp tục thuyết phục Mỹ về những lợi ích chiến lược và kinh tế", Bộ trưởng Thương mại Hiroshige Seko nói với các phóng viên. "Trong số các nước tham gia thỏa thuận TPP cơ bản, sự đóng góp của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất, là vô cùng quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì nhắc nhở Mỹ về điều này".

Australia thuc day TPP anh 2
Trump ký sắc lệnh thu hồi TPP trong ngày làm việc đầu tiên tại Văn phòng Tổng thống Mỹ, ngày 23/1. Ảnh: Bloomberg.

Có còn hơn không

Singapore, một trong những thành viên có khả năng chịu thiệt hại lớn nhất từ sự sụt giảm thương mại toàn cầu, đã ám chỉ rằng họ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện TPP dù không có Mỹ.

Eugene Tan, giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, cho rằng đảo quốc sư tử sẽ thúc đẩy việc phê chuẩn TPP cho dù không có sự tham gia của Mỹ. "Có một TPP suy yếu vẫn tốt hơn là không có TPP", ông Tan nhận định.

Trả lời các phóng viên tại Wellington, Thủ tướng New Zealand Bill English cho biết ông đã yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Todd McClay tới Mỹ gặp các đại diện thương mại của Trump khi được họ xác nhận. Trước đó, ông McClay nói rằng ông dự kiến bộ trưởng các nước tham gia TPP sẽ họp mặt trong vòng vài tháng tới để thảo luận về hướng đi tiếp theo.

"Ưu tiên của chúng tôi là có được Mỹ tham gia vào TPP", ông McClay khẳng định. "Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn có giá trị như một hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của các nước khác".

Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo cho biết việc thỏa thuận có thể tiếp tục khi thiếu Mỹ hay không còn tùy thuộc vào cách ông Trump đàm phán lại về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Ông Ciobo cho biết ông đã có cuộc trò chuyện cùng Canada, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Malaysia. Các nước còn lại tham gia TPP bao gồm Việt Nam, Peru, Brunei và Chile.

Ngay cả khi tương lai của TPP được cân nhắc, các nước châu Á như Malaysia và Nhật Bản đang chuyển trọng tâm sang Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại khác bao gồm 16 quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. 

Nước Mỹ ra sao khi Trump kiên quyết rút khỏi TPP?

Việc Trump rút khỏi TPP phản ánh quan điểm về chủ nghĩa bảo hộ của ông, khiến nhiều đồng minh như Nhật Bản và Australia thất vọng, nhưng tạo ra cú huých lớn cho Trung Quốc.

Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP, phá bỏ di sản Obama

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chính thức ký sắc lệnh để rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được ký kết giữa 12 quốc gia.

Tuyết Mai (Theo Bloomberg)

Bạn có thể quan tâm