Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt - Mỹ 'đồng nhất nhiều hơn khác biệt' dưới thời TT Trump

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh tin rằng những lợi ích song trùng và các thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực sẽ là nền tảng cho quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển.

Với tỷ phú Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ từ hôm 20/1, giới quan sát không khỏi lo lắng cho tương lai quan hệ Việt - Mỹ dưới thời vị tổng thống vô cùng khó đoán định. Zing.vn đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, xung quanh vấn đề này.

Nhiều lợi ích chung, nền tảng cho phát triển 

- Tân tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ xem xét lại những chính sách của người tiền nhiệm, trong đó có cả chính sách đối với châu Á - Thái Bình Dương. Những tuyên bố đó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Việt trong thời gian tới?

- Trước khi nói về chính sách của chính quyền mới đối với khu vực thì nhìn vào quan hệ Mỹ - Việt, chúng ta có thể thấy hai chục năm quan hệ ngoại giao vừa qua, mối quan hệ của Việt Nam và Mỹ đã phát triển rất nhiều và trở thành đối tác toàn diện trên tất cả các mặt, dù mối quan hệ đó chịu ảnh hưởng khác nhau nhất định qua mỗi đời tổng thống Mỹ mới.

Qua nhiều đời tổng thống khác nhau trong 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo của cả đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ, cùng với lợi ích song trùng của hai nước, mối quan hệ Việt - Mỹ đã có những thành tựu quan trọng.

Mau so chung cho moi quan he Viet - My duoi thoi Donald Trump anh 1
Đại sứ Phạm Quang Vinh bắt tay Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm tới Việt Nam tháng 5/2016. Ảnh: Tiến Tuấn. 

Thứ nhất, quan hệ thương mại - kinh tế giữa hai nước đã phục vụ lợi ích của cả Việt Nam và Mỹ, tạo động lực cho phát triển của khu vực. Quan hệ thương mại từ 0,5 tỷ USD/năm đến nay đã lên 50 tỷ USD nói lên chiều sâu của quan hệ.

Thứ hai, quan hệ hai nước hiện nay đã được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực khác từ khoa học - kỹ thuật đến đầu tư, giáo dục, an ninh quốc phòng. Điều đáng nói nhất ở đây là mối quan hệ này được xây dựng trên nguyên tắc cả hai bên cùng có lợi, cả hai bên đều thừa kế lợi ích của mối quan hệ đó. 

Một điểm cũng rất đáng lưu ý là cả 3 tổng thống gần đây nhất của Mỹ là ông Bill Clinton, ông George Bush và ông Obama đều sang thăm Việt Nam. Với những nền tảng đó, tôi tự tin, mối quan hệ này sẽ còn phát triển.

Đẩy mạnh song trùng, dung hoà khác biệt 

- Khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, số bị chia và số chia đều thay đổi. Lẽ nào không có thay đổi trong mối quan hệ này nói chung và chính sách với Việt Nam nói riêng?

- Bất cứ quốc gia nào cũng vậy, từng thời điểm, từng chính quyền đều có những thứ tự ưu tiên hay cách tiếp cận, chính sách khác nhau. Nên việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump có những quan điểm khác với Tổng thống Obama cũng không phải điều quá bất ngờ. 

Tôi cho đó là điều bình thường, bởi bất cứ đất nước nào cũng phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. 

Nhiệm vụ của chúng ta là tích cực trao đổi với đội ngũ của chính quyền mới, đẩy mạnh những lợi ích song trùng và dung hoà những khác biệt. Giữa Mỹ với Việt Nam, tôi tin những điểm đồng nhất sẽ nhiều hơn những khác biệt. 

Thật ra chúng ta chưa thể rõ được định hình chính sách chung của Mỹ đối với Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới. Nhưng có thông điệp rất rõ được nêu trong tuyên bố nhậm chức của tổng thống mới. Đó là sẽ nhìn nhận lợi ích của nước Mỹ một cách thiết thực hơn, cụ thể hơn.

Nhưng tôi cho đó là điều bình thường, bởi bất cứ đất nước nào cũng phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. 

Mau so chung cho moi quan he Viet - My duoi thoi Donald Trump anh 2
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh. Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Mỹ. 

Có điều chắc chắn là chúng ta sẽ vẫn tìm được những lợi ích song trùng trong mối quan hệ này:

Ví dụ, về thương mại, cả Mỹ và Việt Nam đều muốn có lợi ích và hai bên có thể tương hỗ lẫn nhau. Như năm ngoái, chúng ta có hợp đồng mua 100 máy bay Boeing của Mỹ đồng thời có thể cung cấp cho nước Mỹ những hàng hoá có chất lượng và giá thành thấp - vốn là thế mạnh của ta - để nước Mỹ sẽ tập trung vào những sản phẩm là thế mạnh của họ. Ngược lại, Mỹ cũng có thể giúp Việt Nam trong việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật. 

TPP không phải tất cả

- “American first” (Nước Mỹ trên hết) là quan điểm nhất quán của Tổng thống Trump từ lúc còn tranh cử cho đến khi chính thức nhậm chức. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Donald Trump ký vào tuyên bố rút khỏi TPP, hiệp định Việt Nam đặt rất nhiều hy vọng. Chúng ta sẽ phải xử lý vấn đề này thế nào, khi Mỹ, vốn được coi là đầu tàu của hiệp định, tuyên bố rút lui?

- Trước hết, mỗi quốc gia có quyền lựa chọn tham gia hay không tham gia vào những hiệp định hợp tác đa phương. Nhưng ở đây có hai câu chuyện:
Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động, chiếm một nửa tỷ lệ thương mại và tăng trưởng của thế giới, đồng thời là động lực của thế giới trong những năm qua, kể cả khi không có TPP.

Không có TPP, chúng ta sẽ phải tính một bài toán khác để phát triển thị trường Mỹ và sẽ gặp nhiều thách thức hơn, đó là chắc chắn. 

Nên tôi tin, bằng cách này hay cách khác Mỹ cũng sẽ phải gắn kết với khu vực vì sự phát triển, vì lợi ích của nước Mỹ. Kể cả có điều chỉnh hay thay đổi cách tiếp cận với TPP, thì dù muốn dù không, nước Mỹ sẽ phải sớm đưa ra thông điệp về gắn kết kinh tế - thương mại với khu vực này.

Việt Nam chúng ta đã tham gia rất tích cực vào quá trình đàm phán TPP và cũng rất nỗ lực vì nó trong suốt thời gian qua. 

Ưu tiên hành động 100 ngày đầu của Tổng thống Trump Rút khỏi TPP, tăng cường an ninh biên giới, điều chỉnh lại các hiệp định thương mại... là những kế hoạch trọng tâm của Tổng thống Trump trong 100 ngày sau nhậm chức.

Nếu không có TPP, chúng ta sẽ phải tính một bài toán khác để phát triển thị trường Mỹ và sẽ gặp nhiều thách thức hơn, đó là chắc chắn. 

Nhưng cũng nên hiểu TPP không phải là tất cả. Vì trên thực tế, không gian thương mại của chúng ta vẫn tiếp tục phát triển. Trong thời gian qua, ngoài TPP, chúng ta còn tham gia đàm phán hay ký kết nhiều hiệp định thương mại, kể cả hiệp định thương mại thế hệ mới với EU, Hàn Quốc…

Mau so chung cho moi quan he Viet - My duoi thoi Donald Trump anh 3
Đại sứ Phạm Quang Vinh tại lễ nhậm chức của ông Trump hôm 20/1. Ảnh: ĐSQ cung cấp. 

- Từ lúc trúng cử đến giờ, Tổng thống Donald Trump đã có những phát biểu rất cứng rắn về Biển Đông. Đại sứ nghĩ thế nào về những tuyên bố cứng rắn này?

- Dù có tuyên bố cứng rắn như thế nào, thì có mấy điều đòi hỏi phải có sự nhất quán về chính sách của không chỉ Mỹ mà còn cả các nước khác trong khu vực. 

Thứ nhất, hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và đặc biệt là tự do hàng hải - là lợi ích của tất cả các nước. Vì khu vực Biển Đông là khu vực chiến lược về giao thương hàng hải, nên an ninh và tự do hàng hải là lợi ích chung của tất cả các nước. 

Thứ hai, để bảo vệ những mục tiêu chung này, thì tất cả phải dựa vào luật pháp quốc tế và công ước luật biển. Thứ ba, phải tăng cường hợp tác giữa các nước - đó là chuyện không thể khác. 

Chúng ta sẽ phải chờ thêm về chính sách của Mỹ trong thời gian tới, nhưng 3 điểm mấu chốt đó sẽ là những ưu tiên trong điều chỉnh chính sách của bất cứ nước nào, dưới bất cứ chính quyền nào.

Lợi ích của Mỹ nằm ở APEC

- Theo đánh giá chung thì sự tham gia của Mỹ tại Biển Đông là yếu tố quan trọng đảm bảo hoà bình, ổn định ở khu vực này. Mà mỗi nước đều hướng đến lợi ích của mình trước tiên. Vậy trong vấn đề Biển Đông, các quốc gia trong khu vực cần có những chính sách gì để Mỹ thấy được lợi ích của họ ở đây và tham gia vào?

- Chắc là phải đặt vấn đề ngược lại: Mỹ không thể rời khỏi châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ không thể không có lợi ích ở Biển Đông - một Biển Đông hoà bình và tự do. 

Mỹ có thể tranh thủ được các quốc gia khác trong khu vực để đem lại lợi ích cho mình. Bản thân các quốc gia khác cũng tranh thủ được lẫn nhau. Đó chính là lợi ích của việc cùng hợp tác. Và tôi tin đó là điều mà chính quyền mới sẽ phải xem xét.

- Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ xem xét lại nhiều diễn đàn đa phương Mỹ tham gia. Năm nay Việt Nam chủ trì hội nghị APEC, liệu Mỹ có thay đổi chính sách gì với diễn đàn này và Việt Nam nên gửi thông điệp gì đến chính phủ mới?

- Trước hết, diễn đàn APEC đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng có lẽ là diễn đàn duy nhất về hợp tác kinh tế ở khu vực mang tính đầu tàu của thế giới. Lợi ích của nước Mỹ sẽ nằm ở đây. Các đời tổng thống Mỹ đều rất quan tâm đến APEC. 

- Đại sứ đánh giá thế nào về khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC và khả năng ông Trump sẽ thăm chính thức Việt Nam trong dịp đó?

- Tôi rất trông đợi điều đó.

- Thưa Đại sứ, ông đã trải qua nhiệm kỳ đại sứ của mình với hai đời tổng thống. Một trong những nhiệm vụ của ông và Đại sứ quán là phải theo dõi sát tình hình. Nhưng với vị tổng thống mới mà nhiều người đều nhận định là rất khó đoán định như Donald Trump, Đại sứ có phải thay đổi cách tiếp cận của mình?

- Điểm nhấn quan trọng nhất của người làm công tác ngoại giao đại diện cho chính phủ ở nước ngoài đó là chúng ta có cơ hội tiếp xúc gần nhất, trực tiếp nhất với những người tham gia vào hoạch định chính sách của từng chính quyền. Và chúng tôi chọn cách trao đổi trực tiếp với những con người đó.

Tôi nhớ cách đây vài hôm, có sự kiện ăn trưa do một tập đoàn lớn tổ chức, trong đó có bà K.T. Mcfarland (phó cố vấn an ninh quốc gia) đến dự. Bà nói rằng: “Có những chỗ chúng tôi chưa có chính sách hoặc chưa định hình rõ, thì chính các bạn, các nhà ngoại giao, các nhà đại diện các nước hãy chia sẻ với chúng tôi". Và đó cũng là cách tôi lựa chọn trên cương vị đại sứ của mình.

Các doanh nghiệp Mỹ mà tôi đã tiếp xúc trong thời gian vừa qua đều rất quan tâm đến APEC.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc điện đàm chúc mừng Tổng thống mới Donald Trump cũng đã có lời mời ông Donald Trump tham dự Tuần lễ cấp cao APEC sắp tới.

Bỏ TPP và sai lầm chiến lược của Trump ở châu Á

Đại biện lâm thời đầu tiên của Mỹ ở Việt Nam từ năm 1995 nhận định việc rút khỏi TPP là bước đi sai lầm lớn của Tổng thống Donald Trump tại châu Á và không thực sự giúp ích cho Mỹ.

Việt Nam phản ứng việc Mỹ rút khỏi TPP

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục thực thi hiệu quả cam kết đối với các cơ chế tự do thương mại mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.

Minh Ngọc thực hiện

Bạn có thể quan tâm